Đẩy mạnh thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
'Trong thế giới ngày nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường quan trọng nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới' - Đó là chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ phát động Phong trào cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 4/2025 vừa qua. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào thực tiễn cuộc sống.

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 định hướng: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đối với nước ta, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường quan trọng để bứt phá, là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Trong những năm qua, sự nghiệp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN. Đến nay, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia.
Cùng với đó, thể chế về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng số phát triển mạnh mẽ; kinh tế số có bước phát triển vượt bậc; một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nguồn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế...
Để thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: Đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nước ta cần phát triển, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Ngày nay, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược, là yếu tố đặc biệt quan trọng đưa đất nước phát triển giàu mạnh. Để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xác định rõ trách nhiệm và chủ động triển khai thực hiện.
Cùng với đó là khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để đi tắt, đón đầu.
Đối với mỗi người dân cần nỗ lực học tập, tự cập nhật, trau dồi kiến thức KHCN, tham gia tích cực vào phong trào “Bình dân học vụ số” để trở thành công dân số; chuyển đổi một cách tổng thể và toàn diện phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; chung tay góp sức xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia...
Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, việc thực hiện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo KT-XH đất nước theo hướng nhanh, bền vững. Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ là lời hiệu triệu mạnh mẽ, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.