Đẩy mạnh số hóa trong dự báo, cảnh báo thiên tai

Ngày 16/1, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 trận mưa kèm theo giông lốc, sét làm 3 người chết và 2 người bị thương, hư hại một số tài sản, cây ăn trái hoa màu của người dân. Tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp với 20 vụ sạt lở sông Tiền, sông Hậu, chiều dài sạt lở là 872m, diện tích sạt 11.134m2. Ngoài ra, sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra ở 6 xã của huyện Thanh Bình với chiều dài khoảng 14,2km, diện tích sạt 0,67ha.

Sạt lở đất, sạt lở kênh, rạch nội đồng là 33 vụ với chiều dài sạt lở là 4.231m, diện tích 7.846m2 và sụp lún làm hư hỏng 18 vị trí đường giao thông nông thôn các huyện Châu Thành và Tam Nông với chiều dài 540m. Bên cạnh đó, xảy ra 10 trường hợp trẻ em đuối nước (giảm 8 trường hợp so với năm 2023) và 53 vụ cháy. Ước thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra khoảng 23 tỷ đồng (giảm 6,6 tỷ đồng so với năm 2023).

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề ứng phó với triều cường, tình hình xâm nhập mặn; kinh nghiệm trong ứng phó với công tác phòng, chống hạn; tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em…

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của các ngành, địa phương trong thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự. Kết quả đó, tạo được niềm tin của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Với những kết quả đạt được cùng những dự báo về tình hình khí tượng thủy văn và thiên tai, trong năm 2025, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành hữu quan cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng kế hoạch đối với từng ngành, địa phương để có sự chủ động ứng phó. Cố gắng giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời bảo vệ sản xuất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiên tai; phát huy, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả về phòng, chống thiên tai; số hóa trong dự báo, cảnh báo thiên tai… Bên cạnh đó, tập trung thực hiện, đầu tư các dự án, công trình phòng, chống thiên tai; thực hiện thu, chi Quỹ phòng, chống thiên tai đúng quy định; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/day-manh-so-hoa-trong-du-bao-canh-bao-thien-tai-128624.aspx
Zalo