Tìm hướng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam

Chiều 16/1, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo 'Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam'.

Khai mạc Hội thảo "Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam".

Khai mạc Hội thảo "Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam".

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Tham dự Hội thảo có gần 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 12 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đại diện lãnh đạo đại sứ quán, tổng lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước; đại diện các cơ quan truyền thông trong nước và các hãng thông tấn quốc tế lớn tại Việt Nam…

Tham quan, khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm Tài chính tại đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Tham quan, khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm Tài chính tại đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

16 ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ về mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, tính pháp lý, bài học kinh nghiệm… cho việc hình thành Trung tâm tài chính hoàn chỉnh, năng động, hấp dẫn và hiệu quả nhất.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thực hiện Trung tâm tài chính quốc tế tại Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần của Trung tâm tài chính khu vực tại quận Sơn Trà, phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Các khu vực nêu trên được xác định là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển Trung tâm tài chính, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.

Về chính sách đột phá phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Giáo sư Michael Mainelli, Nguyên Thị trưởng Khu Tài chính London kiêm Chủ tịch Tập đoàn Z/Yen cho rằng, cần tạo được môi trường kinh doanh, tuân thủ các khung nghị định thư và chính sách ưu đãi về thuế. Phát triển nguồn nhân lực, có chuyên môn cao thông qua các chương trình hợp tác giáo dục quốc tế.

Phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng xanh. Phát triển các khu vực tài chính, bảo hiểm, các định chế theo khuôn khổ chung. Phải thượng tôn pháp luật, xem xét và áp dụng hệ thống pháp luật chung, trọng tài, hòa giải, giải quyết tranh chấp bởi chuyên gia, tòa án chuyên ngành…

Cùng quan điểm, ông Andy Khoo, đại diện tổ chức Terne Holdings Việt Nam nhấn mạnh: Đà Nẵng ngày nay là thành phố hiện đại, sôi động, minh chứng cho sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Việt Nam.

Cảng nước sâu Liên Chiểu đang được thi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Cảng nước sâu Liên Chiểu đang được thi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Hôm nay là thời khắc mang tính bước ngoặt trong hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Hội thảo này không chỉ nói về những khả năng, mà còn là về những quyết định táo bạo biến khát vọng thành hiện thực. Với vị trí chiến lược, dân số năng động và cam kết không ngừng với sự tiến bộ, Đà Nẵng có tiềm năng để trở thành trái tim của tương lai tài chính Việt Nam.

Việt Nam đang đề xuất các chính sách chưa từng có cho các trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Sự phát triển kịp thời này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc nắm bắt các cơ hội toàn cầu và định vị Việt Nam như một trung tâm tài chính cạnh tranh. Giờ đây, điều đó không còn là khát vọng nữa.

Bằng cách tận dụng thế mạnh của Việt Nam và các cơ hội trong khu vực, Trung tâm Tài chính quốc tế tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh có thể tự khác biệt hóa trong khi áp dụng những chiến lược mới, chính sách mới. Trong đó tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số. Khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ) và Cảng tự do (Le Freeport) sẽ cung cấp các lợi thế về thuế và giải pháp lưu trữ cho các tài sản có giá trị cao, đảm bảo sự tin cậy từ các nhà đầu tư quốc tế.

Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Hãy tưởng tượng một tương lai, nơi Đà Nẵng không chỉ là một thành phố, mà là biểu tượng của sự đổi mới, bền vững, và kiên cường. Một tương lai mà Đà Nẵng trở thành cầu nối giữa ASEAN và thế giới, tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự tiến bộ cho từng người dân Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo rất chất lượng và thành công hơn mong đợi. Hội thảo bàn về vấn đề rất mới, đóng vai trò rất quan trọng, là cú hích của nền kinh tế, là sự chuẩn bị để chúng ta vươn mình cất cánh, tăng tốc phát triển.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh 5 nội dung trọng tâm. Thứ nhất là pháp luật và cơ chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng, pháp lý cho Trung tâm tài chính. Chính phủ cam kết sẽ xây dựng hạ tầng pháp luật thông thoáng, đáng tin cậy và hiệu quả thật sự.

Trao Biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, triển khai Trung tâm Tài chính giữa thành phố Đà Nẵng với các đối tác.

Trao Biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, triển khai Trung tâm Tài chính giữa thành phố Đà Nẵng với các đối tác.

Thứ hai là về nhân lực, cần phải tổ chức tuyển dụng, đào tạo các chuyên gia giỏi trong quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp… Hai địa phương cần sớm đưa đội ngũ chuyên gia đi học tập ở các nước có Trung tâm tài chính. Để đảm bảo đội ngũ chuyên gia có thể làm việc ngay khi Trung tâm tài chính ra đời, hoạt động.

Thứ ba là chuẩn bị về hạ tầng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công nghệ thông tin, thương mại, bảo hiểm, môi trường làm việc… và hệ sinh thái kinh tế hậu thuẫn cho hai Trung tâm tài chính.

Thứ tư là chúng ta lựa chọn cho mình hướng đi đúng, để đảm bảo rằng Trung tâm tài chính của Việt Nam phải là một phần của kinh tế toàn cầu và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Phải biến quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế thành hiện thực trong tương lai gần.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Phải biến quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế thành hiện thực trong tương lai gần.

Thứ năm là vấn đề kết nối với các trung tâm tài chính khác; thu hút nhà đầu tư, chuyên gia, truyền thông lan tỏa… Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu lãnh đạo hai thành phố, các bộ, ngành triển khai thực hiện tốt việc nghiên cứu, xây dựng Trung tâm tài chính, biến quyết tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước thành hiện thực trong tương lai gần.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, đối tác đã có chuyến khảo sát thực tế các địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm tài chính và cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa của Đà Nẵng.

THANH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-huong-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-post856404.html
Zalo