Đẩy mạnh số hóa, ngân hàng khát nhân lực cao cấp

Ngân hàng xếp đầu danh sách những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm nay khi đẩy mạnh phát triển ngân hàng số. Trong đó, nhiều nhà băng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới.

Navigos Search vừa công bố báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam và dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý II/2022, trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu và tư vấn cho các sản phẩm cao cấp của ngân hàng.

Mục tiêu số hóa ngân hàng

Định hướng chuyển đổi số đã được nhiều ngân hàng thực hiện từ 3-5 năm trước đây nhưng chủ yếu là các ngân hàng lớn có tiềm lực mạnh mới có khả năng đón đầu. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến thời điểm này của năm 2022, rất nhiều các ngân hàng từ nhỏ đến lớn cũng đang phải bước vào cuộc đua này. Một phần do các ngân hàng cần phải tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, một phần là do tác động của đại dịch COVID-19 khiến ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc MB cho biết, MB định hướng, mục tiêu chiến lược giai đoạn 2022-2026 với tầm nhìn “Trở thành doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính dẫn đầu”.

Các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn đầu năm 2022. (Ảnh: Int)

Các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn đầu năm 2022. (Ảnh: Int)

Trong khi đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ hồi đầu tuần, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT TPB cho biết, cách mạng 4.0 đã mang đến cho nền kinh tế động lực để phát triển, việc tất cả các ngân hàng cùng đầu tư vào ngân hàng số sẽ tạo một thị trường phát triển. Có cạnh tranh thì thị trường càng phát triển và người nào tiên phong sẽ luôn có những lợi thế nhất định.

Năm 2022, ngân hàng dự kiến mở rộng mạng lưới thêm ít nhất 40 điểm, hướng tới mục tiêu mở mới 70 điểm trong năm 2022, nâng tổng số điểm LiveBank lên 420 - 450 điểm. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi Covid 19, TPBank vẫn duy trì được tốc độ mở mới LiveBank với 80 điểm mở mới trên toàn quốc, đạt gần 400 điểm tính đến hết năm 2021. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tăng thêm 3 triệu khách hàng mới, tăng tỷ lệ hoạt động thêm ít nhất 10% so với hiện tại với sự đóng góp từ cả ba phân khúc: đại chúng, cao cấp và kênh Digital Banking.

"TPBank đang đi trước nhiều ngân hàng một chặng đường khá xa, một số giải pháp TPBank đã triển khai cách đây 5 năm thì bây giờ mới có ngân hàng làm", ông Tú nói.

Đẩy mạnh số hóa đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải gia tăng tuyển dụng nhân sự chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Có thể thấy, từ đầu năm đến nay các ngân hàng dồn dập tuyển dụng hàng trăm chỉ tiêu. Điển hình, VietinBank tuyển dụng tập trung đợt 1 năm 2022 với 583 chỉ tiêu tại 47 khu vực trên cả nước; BIDV tuyển dụng cán bộ tại địa bàn TP HCM năm 2022 nhằm bổ sung lực lượng nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Hiện nay ngân hàng này vẫn đang tiếp tục tuyển dụng hàng chục nhân sự cho vị trí chuyên viên ban quản lý rủi ro toàn hàng, nhân viên nghiệp vụ kế toán…

Theo Navigos Search, các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn đầu năm 2022.

Website của một loạt ngân hàng khác như MB, TPBank, MSB, VPBank, Viet A Bank, NCB, Eximbank, OCB... đăng tải thông tin tuyển nhân sự cho nhiều vị trí với mức lương từ 8 - 30 triệu đồng/tháng, hoặc thỏa thuận, thời hạn nộp hồ sơ đến tháng 4/2022.

“Săn lùng” nhân sự chất lượng cao

Theo quan sát của Navigos Search, do các ngân hàng tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa… nên dẫn đến việc tăng nhu cầu tuyển dụng về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin, dữ liệu, kiến trúc giải pháp... Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường.

Đối với các vị trí Sales (bán hàng), giai đoạn này các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều cho mảng khách hàng cao cấp, khách hàng ưu tiên, tập trung vào các sản phẩm dịch vụ cao cấp và phức tạp như đầu tư, bảo hiểm và quản lý tài sản. Vì vậy, đối với các vị trí này, ngân hàng thường tuyển ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt.

Theo các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính - Ngân hàng tăng 20% mỗi năm. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm, trong đó, trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra những biến động nhất định. Theo nhiều dự báo toàn cầu, xu hướng số hóa sẽ khiến nhu cầu nhân lực phổ thông trong ngành tài chính giảm. Tuy nhiên, việc làm mới sẽ liên tục phát triển nhưng phần đông là đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng số. Điều này đặt các ngân hàng vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt về đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.

Ví dụ như ứng viên ngành ngân hàng hiện nay cần có khả năng thích ứng, đổi mới sáng tạo cho các vị trí công việc mới như nghiên cứu, phát triển nhằm cung ứng các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng... Ngoài ra, nhu cầu nhân sự về công nghệ như: chuyên gia an ninh mạng, nhà phân tích tín dụng, lập trình viên… cũng đẩy mạnh tính cạnh tranh nguồn nhân lực ngành ngân hàng lên ngày một cao hơn.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/day-manh-so-hoa-ngan-hang-khat-nhan-luc-cao-cap-1085120.html
Zalo