Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang chuyển mình mạnh mẽ để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, phong trào thi đua yêu nước đang tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tại tỉnh Nam Định - địa phương nhiều năm liền giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục, phong trào thi đua được tổ chức bài bản, liên tục, ngày càng đi vào thực chất, góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển bền vững, hiện đại.

Cô và trò Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) làm các sản phẩm STEM.

Cô và trò Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) làm các sản phẩm STEM.

Phát huy vai trò động lực của phong trào thi đua

Trong giai đoạn mới, khi yêu cầu của xã hội đối với giáo dục ngày càng cao, khi chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đặt ra những thay đổi toàn diện về cách dạy, cách học, cách đánh giá, phong trào thi đua yêu nước được ngành GD và ĐT tỉnh xác định là phương thức quan trọng để từng nhà trường, từng cán bộ, giáo viên khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề sâu sắc.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, Sở GD và ĐT đã quán triệt và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về công tác thi đua - khen thưởng thành chương trình hành động cụ thể, đồng bộ từ cấp Sở đến từng cơ sở giáo dục. Phong trào thi đua được triển khai mạnh mẽ gắn với thực tiễn từng địa phương, gắn với nhiệm vụ năm học, với yêu cầu đổi mới quản trị trường học, ứng dụng chuyển đổi số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các phong trào, cuộc vận động: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn” đã khơi dậy mạnh mẽ ý thức đổi mới, tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ nhà giáo. Ở nhiều đơn vị, thi đua không dừng lại ở “danh hiệu” mà trở thành nhu cầu “tự thân”, ý thức nghề nghiệp. Các chỉ tiêu thi đua cũng được định hướng, lên kế hoạch rõ ràng, gắn với kết quả chuyên môn, với mức độ hài lòng của học sinh, phụ huynh, với việc thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương pháp.

Từ phong trào thi đua, hàng loạt mô hình mới, cách làm hay được hình thành, lan tỏa. Cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế học liệu số, triển khai giáo dục STEM, tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh yếu, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những nhà giáo xuất sắc về chuyên môn, tận tâm với học sinh, có đóng góp lớn với chất lượng giáo dục, ảnh hưởng tích cực tới đồng nghiệp và cộng đồng, như Nhà giáo Ưu tú Trần Thị Thanh Xuân, thầy giáo Nguyễn Văn Huyên (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), cô giáo Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); cô giáo Ngô Thị Hạnh, Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hậu)...

Ở các cấp học, mỗi phong trào thi đua đều mang màu sắc riêng phù hợp đặc điểm bậc học. Phong trào thi đua yêu nước ngành GD và ĐT đã trở thành động lực góp phần tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều năm liền, Nam Định là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục toàn diện thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Chỉ trong 10 năm gần đây, tỉnh đã có hơn 700 học sinh đoạt giải quốc gia, nhiều học sinh giành huy chương tại các cuộc thi Olympic quốc tế. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 99,8%. Hầu hết các trường phổ thông có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Những kết quả này gắn chặt với hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước được duy trì liên tục, sâu rộng và thực chất trong nhiều
năm qua.

Lan tỏa điển hình tiên tiến, tạo nền tảng cho phát triển bền vững

Từ việc ghi nhận, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích cao, phong trào thi đua đã góp phần tạo động lực lan tỏa những giá trị tích cực trong toàn ngành. Nhiều mô hình hay, sáng kiến giá trị về công tác quản lý, giảng dạy và học tập là những điển hình tiên tiến, kiểu mẫu cho các đơn vị học tập như: Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tiêu biểu trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) với hình ảnh những người thầy, những học sinh là những tấm gương tiêu biểu về đổi mới, sáng tạo, vượt khó và cống hiến; Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong... là những điểm sáng trong giáo dục mũi nhọn, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số và phát triển đội ngũ.

Để tạo động lực thúc đẩy phong trào, việc khen thưởng được ngành GD và ĐT thực hiện công khai, minh bạch, chú trọng chất lượng. Các tiêu chí xét chọn danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn, hướng đến tôn vinh sự sáng tạo, tinh thần đổi mới và cống hiến. Bên cạnh các danh hiệu do Nhà nước trao tặng, toàn ngành GD và ĐT tỉnh còn tổ chức các hình thức tôn vinh linh hoạt như vinh danh giáo viên tiêu biểu, học sinh xuất sắc, tổ chuyên môn dẫn đầu, đồng thời khuyến khích các trường học tổ chức tuyên dương trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, tổng kết học kỳ, năm học. Công tác truyền thông nhằm lan tỏa các gương điển hình tiêu biểu về thầy cô giáo tận tụy, học sinh vượt khó, sáng tạo được tăng cường tuyên truyền trên hệ thống báo chí và các nền tảng mạng xã hội,... Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tình yêu nghề, yêu người, góp phần bồi dưỡng niềm tin và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn mới, khi giáo dục chuyển mạnh sang phát triển phẩm chất, năng lực người học như mục tiêu đề ra của chương trình GDPT 2018 và Nghị quyết 29-NQ/TW; việc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các hình thái học tập mới đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Ngành GD và ĐT đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công cụ đánh giá, tăng cường sử dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy và học tập… thông qua việc quản trị trường học bằng phần mềm, sử dụng hệ thống LMS, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra, đánh giá, đến xây dựng kho học liệu mở, phát triển bài giảng E-learning… Các hoạt động trên đều được đẩy mạnh, xuất phát từ tinh thần thi đua sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các tập thể, cá nhân trong toàn ngành. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký và tích cực triển khai tại các nhà trường đã góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể, sát với thực tiễn từng địa phương, từng nhóm đối tượng học sinh, tiêu biểu như các trường THCS: Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Nguyễn Hiền (Nam Trực), Đào Sư Tích (Trực Ninh); các trường THPT: Nguyễn Khuyến, Trần Văn Lan, chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định)...

Phong trào thi đua yêu nước ngành GD và ĐT tỉnh với những cách làm thực chất, sáng tạo và hiệu quả, đã và đang tạo nền tảng để GD và ĐT tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập và đổi mới.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202505/day-manh-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-nganh-giao-ducva-dao-taotrong-giai-doan-moi-46d49ff/
Zalo