Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân để thu hút công chức dôi dư sau sắp xếp
Đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, quy hoạch đầu tư mỗi tỉnh ít nhất có một khu công nghiệp tập trung để thu hút và giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương.
Thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vào ngày 14/5, các đại biểu đều nhất trí tổ chức chính quyền 2 cấp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết là như thế nào hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết, tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã.
Đề nghị cấp tỉnh hỗ trợ cấp xã khi cấp xã không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một sự thay đổi lớn trong năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian để kiện toàn và rất cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu tại hội trường.
Về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã, đại biểu nêu đề nghị giao cho Chính phủ hướng dẫn rõ hơn đối với việc thành lập các cơ quan chuyên môn ở cấp xã nhằm phù hợp hơn với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới với khối lượng công việc mới và số biên chế tối thiểu được giao đảm bảo cân đối từ số lượng lãnh đạo phòng đến số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó cũng đề xuất Trung ương sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã mới, qua đó góp phần thực sự phát huy hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cấp xã sắp tới được xác định là cấp trực tiếp thực thi phải gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và hiệu quả cao hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp. Bởi, nếu không rà soát hết các quy định của pháp luật chuyên ngành thì ngay kể cả khi luật này có quy định rõ về phân công, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhưng các luật chuyên ngành khác không đồng bộ, không thống nhất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc, bất cập, thậm chí là không thi hành được trên thực tế.
Nâng cao chất lượng trung tâm phục vụ hành chính
Về Trung tâm phục vụ hành chính công trực thuộc UBND cấp xã, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị đẩy nạnh việc chuyển đổi số để góp phần tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp cho người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. “Thiết nghĩ, đây cũng chính là mấu chốt rất quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức lại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị không nên cho phép UBND xã thành lập Trung tâm hành chính công mà là Trung tâm hành chính công liên khu vực. “Ví dụ như mô hình của thành phố Hà Nội hiện nay là rất hay cho nên tôi nghĩ rằng nếu mỗi xã đều thành lập Trung tâm hành chính công như vậy thì sẽ rất nhỏ bé, những xã to thì được, còn có những xã rất bé và những xã không nhập mà thành lập Trung tâm hành chính công như vậy là rất lãng phí. Cho nên tôi đề nghị nên thành lập Trung tâm hành chính công khu vực, ví dụ mấy xã nhập lại có một Trung tâm hành chính công này và trung tâm này trực thuộc UBND tỉnh hay trực thuộc Trung tâm hành chính công của tỉnh là tùy, không nên để mỗi xã đều thành lập một trung tâm” – đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, không nên giao thẩm quyền lại cho các phòng, ban ở cấp xã bởi vì cấp xã đã là một cấp nhỏ nhất không thể giao thẩm quyền cho ai nữa, chỉ có thể ủy quyền cho các phòng chuyên môn mà nên thành lập các văn phòng trực thuộc Đảng ủy, HĐND, UBND.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cũng đề nghị phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân.
Đề nghị tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nói về những lo lắng, băn khoăn của cán bộ công chức cấp xã và người dân khi sắp xếp đơn vị hành chính: “Người dân thì băn khoăn, lo lắng, địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh liệu có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Cán bộ cấp xã có tăng nhưng vẫn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng lớn, liệu có đủ sức để sát dân, gần dân".

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu tại hội trường.
Đại biểu đề nghị "cần có các giải pháp hữu hiệu để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập, đó là bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến hoạt động bình thường của xã hội, của người dân, doanh nghiệp đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn” và cho rằng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã; có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. “Ví dụ như trên cùng một tuyến đường, tuyến kênh nhưng thuộc quyền quản lý của 2 phường, xã, thậm chí là nhiều hơn thì việc đầu tư có thể là do Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng việc quản lý, sử dụng như cây xanh, vỉa hè, trang trí cần có sự thống nhất mà ở đó cấp tỉnh không nhất thiết phải tham gia” đại biểu nêu.
Đại biểu đề nghị tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, gắn với xây dựng đội ngũ công chức có năng lực và tận tụy với nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, quy hoạch đầu tư mỗi tỉnh ít nhất có một khu công nghiệp tập trung để thu hút và giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương…