Đẩy mạnh hợp tác nâng tầm vị thế ngành logistics của Việt Nam
Hợp tác chặt chẽ giữa các bên sở hữu thế mạnh chuyên môn sẽ góp phần không nhỏ vào việc củng cố và nâng cao vị thế của ngành logistics Việt Nam, giúp ngành này phát triển bền vững và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Ngày 17/12, ngành logistics Việt Nam chứng kiến một cột mốc quan trọng khi các thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ số và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực đầy tiềm năng này đã được ký kết tại tỉnh Vĩnh Phúc.
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC SMES VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO NGÀNH LOGISTICS
Nổi bật trong đó là biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Việt Nam SuperPort với Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) và Học viện Chuỗi cung ứng và Logistics Singapore (SCALA). Theo đó, các bên sẽ hợp tác thành lập phòng thí nghiệm logistics tiên tiến đầu tiên tại cơ sở UTT Vĩnh Phúc. Đây là sáng kiến kết hợp giữa tập đoàn logistics hàng đầu Singapore và một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhằm tạo ra trung tâm đổi mới sáng tạo và kỹ thuật số.
Phòng thí nghiệm này tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, và các giải pháp phát triển bền vững. Đồng thời, các chuyên gia của Việt Nam SuperPort và SCALA sẽ tham gia giảng dạy, tổ chức hội thảo tại UTT, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với sinh viên. Các sinh viên cũng sẽ có cơ hội tham quan, học tập tại Việt Nam SuperPort và Thành phố Chuỗi cung ứng (Supply Chain City) ở Singapore, từ đó tiếp cận hạ tầng logistics tiên tiến trên thế giới.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort, nhấn mạnh mục tiêu của hợp tác này là đào tạo nên một lực lượng lao động logistics chuyên nghiệp, không chỉ có kỹ năng mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững cho ngành. Điều này sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm logistics quan trọng tại Đông Nam Á.
Theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần khoảng 300.000 nhân sự logistics chuyên nghiệp, trong tổng số 1,2 triệu lao động của ngành. “Vì vậy, sáng kiến này được kỳ vọng giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành logistics”, Tiến sĩ Yap Kwong Weng nói.
Về phía trường đại học, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng UTT, khẳng định với sự đồng hành của các đối tác uy tín như Việt Nam SuperPort và SCALA, UTT cam kết sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực và trách nhiệm trong phát triển bền vững ngành logistics.
“Sự hợp tác này sẽ giúp cho Việt Nam khẳng định vị thế như một trung tâm logistics hàng đầu Đông Nam Á và trên thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bên cạnh hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) , Việt Nam SuperPort cũng ký kết thỏa thuận với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) để phát triển các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á. Sự hợp tác này hướng đến tối ưu hóa chi phí vận chuyển, kho bãi, và cung cấp các giải pháp logistics hiệu quả, giúp tăng cường dòng chảy hàng hóa khu vực và mở ra cánh cửa quốc tế cho SMEs Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, chia sẻ sự kết hợp giữa hạ tầng bưu chính-logistics rộng khắp của Bưu điện Việt Nam và các giải pháp công nghệ từ Việt Nam SuperPort sẽ mang đến các dịch vụ toàn diện, hỗ trợ các doanh nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu.
“Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho hai bên, mà còn là động lực để SMEs và các hộ kinh doanh Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.”
TS. Yap Kwong Weng cũng cho biết hai bên sẽ tập trung phát triển thị trường logistics tích hợp, kết nối kho ngoại quan, khách hàng, đại lý vận chuyển và ngân hàng; đồng thời số hóa toàn bộ quy trình vận hành, thanh toán, ứng dụng blockchain để tối ưu tài chính và giải ngân.
“Đồng thời, Việt Nam SuperPort sẽ trở thành trung tâm logistics đa phương thức, tích hợp nền tảng thương mại điện tử của YSG và dịch vụ EMS của Bưu điện Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả giao hàng chặng đầu và chặng cuối của các hoạt động logistics”, TS. Yap Kwong Weng nhấn mạnh.
KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY TỐI ĐA TIỀM NĂNG CỦA NGÀNH LOGISTICS
Theo dự báo, thị trường vận tải và logistics tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 48,38 tỷ USD vào năm 2024 lên 65,34 tỷ USD vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,19%. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang khẳng định vị thế là một cửa ngõ thương mại chiến lược của khu vực Đông Nam Á. Vị trí địa lý đặc biệt này định vị Việt Nam như một trung tâm kết nối quan trọng trong khu vực ASEAN.
Qua những con số về tăng trường này, TS. Yap Kwong Weng khẳng định thị trường logistics của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở các lĩnh vực trọng điểm, với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự báo đạt từ 6-10% hoặc thậm chí cao hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, để khai thác trọn vẹn tiềm năng, cần giải quyết các nút thắt then chốt, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo luồng hàng hóa lưu thông thông suốt và tối ưu hóa hiệu quả giao hàng chặng cuối.
Trong đó, yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự chuyển đổi này chính là việc đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain để tinh giản quy trình, tăng cường kết nối giữa các bên liên quan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam. Việc hỗ trợ các SMEs bằng công cụ phù hợp, nguồn lực tài chính, và chuyên môn cần thiết sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động logistics và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, TS. Yap Kwong Weng cũng cho biết sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong các khâu lưu trữ, phân phối và phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, việc kết hợp sản xuất giá trị cao với chuyển đổi số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng vững chắc sẽ càng củng cố lợi thế cạnh tranh của thị trường logistics Việt Nam.
“Cùng với đó, sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các chính sách thuận lợi và khung pháp lý linh hoạt sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi và phát triển bền vững của ngành logistics trong thời gian tới”, TS. Yap Kwong Weng khẳng định.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng việc hợp tác giữa Việt Nam SuperPort với các đối tác chiến lược như Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành logistics trong thời gian tới. Những mối quan hệ hợp tác này không chỉ mang lại công nghệ tiên tiến mà còn cung cấp chuyên môn nhân lực và tạo điều kiện cho các cơ hội chuyển giao công nghệ.
“Bằng cách tích hợp chuyên môn đa dạng từ các bên liên quan và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Việt Nam có thể tăng tốc trên hành trình trở thành trung tâm logistics và thương mại toàn cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững,” TS. Yap Kwong Weng nhấn mạnh.
Việt Nam SuperPort là cảng logistics đa phương thức có diện tích lên đến 83 ha, nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là liên doanh chiến lược giữa Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH, nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng hàng đầu của Singapore với gần 70 năm kinh nghiệm dẫn đầu trong ngành.
Việt Nam SuperPort hiện hướng tới nâng cao khả năng hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí logistics và tăng cường lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong thương mại quốc tế. Với mục tiêu trở thành cảng logistics đa phương thức đầu tiên tại Đông Nam Á đạt phát thải ròng bằng 0, Việt Nam SuperPort cũng đã có cam kết phát triển bền vững với kế hoạch tích hợp sử dụng năng lượng sạch và ứng dụng các công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.