Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người lao động trong doanh nghiệp

Những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức công đoàn chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, xây dựng quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động ngày càng ổn định, tiến bộ và phát triển.

Công nhân Công ty TNHH Giầy Thành Bách, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) nêu kiến nghị tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng với công nhân lao động.

Công nhân Công ty TNHH Giầy Thành Bách, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) nêu kiến nghị tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng với công nhân lao động.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ, việc liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó năm 2022 có 8 doanh nghiệp thuộc LĐLĐ các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản, thành phố Nam Định và Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh xảy ra ngừng việc tập thể với 5.976 công nhân lao động (CNLĐ) tham gia, nguyên nhân do doanh nghiệp thông báo cắt giảm tiền chuyên cần của người lao động trong thời gian phải ngừng việc để chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19; không thực hiện trả tiền thưởng tháng lương thứ 13 và không chấp hành đúng quy định của Luật Lao động về việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định; thu hồi lại thông báo về quyết định tăng lương cơ bản cho người lao động theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động… Để giải quyết các mâu thuẫn và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở (CĐCS) tìm hiểu nguyên nhân, chủ động tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Kết quả, các công ty đã ra thông báo giải quyết các kiến nghị, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động và người lao động đã trở lại làm việc. Năm 2023 xảy ra vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Giày Đại Khả (Vụ Bản), người lao động đã đề nghị công ty thanh toán tiền lương tháng 9, tiền phép năm, thâm niên, thai sản, chốt trả sổ BHXH… theo đúng quy định khi lãnh đạo công ty thông báo sẽ giải thể sau khi hết đơn hàng. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ huyện Vụ Bản phối hợp với CĐCS Công ty TNHH Giày Đại Khả tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, sau khi đạt được các thỏa thuận, công ty đã ra thông báo giải quyết các kiến nghị của người lao động.

Hàng năm, qua tìm hiểu thực tế về mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ vào tình hình của các doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đề nghị các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, của tổ chức Công đoàn xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có đông CNLĐ. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người lao động như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, nhất là công tác soạn thảo, giám sát việc thực hiện các nội dung thỏa ước lao động tập thể: hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; điều kiện, môi trường làm việc; chế độ đối với lao động nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia tổ chức công đoàn, hoạt động của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ.

Các cấp Công đoàn còn tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, của tổ chức Công đoàn… Hình thức tuyên truyền từng bước được đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng phù hợp với người lao động và doanh nghiệp như tổ chức tuyên truyền lưu động vào ngày lễ; tuyên truyền trực quan, chăng treo biển, đặt pa-nô, áp phích vào các dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; tại các hội nghị, tọa đàm; tuyên truyền trực tiếp trên hệ thống loa phát thanh tại các doanh nghiệp vào giờ ăn cơm và giờ tan ca; trên hệ thống trang thông tin nội bộ của doanh nghiệp, tuyên truyền ngoài giờ tại các khu nhà trọ của công nhân, phát tờ rơi cho công nhân..., qua đó nâng cao nhận thức cho người lao động, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các tổ chức công đoàn còn tích cực phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật như: phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Lao động; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Sở Y tế tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phương pháp nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tư vấn cách phòng tránh bệnh nghề nghiệp; phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền phòng ngừa, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh mạng khi tham gia các trang mạng xã hội zalo, facebook; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức và xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhiều tổ chức công đoàn phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện tổ chức tuyên truyền vào Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11). Nhiều doanh nghiệp xây dựng tủ sách pháp luật, thường xuyên bổ sung đầu sách, sổ tay, tài liệu pháp luật, nhất là tài liệu mới liên quan trực tiếp đến người lao động, giúp họ nâng cao kiến thức pháp luật, nắm được nội quy, quy chế của doanh nghiệp để tự bảo vệ mình và chung tay cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Cùng với việc xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, công tác hỗ trợ pháp lý cho người lao động cũng được duy trì hiệu quả. Đồng chí Trần Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Nam Định cho biết: Văn phòng đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật cho CNLĐ tại Văn phòng và triển khai tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ, doanh nghiệp xảy ra mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có gần 40 lượt CNLĐ được tư vấn tại Văn phòng tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 1 hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho 200 CNLĐ tại Công ty TNHH Giầy Amara thuộc LĐLĐ huyện Trực Ninh. Các tổ chức CĐCS phối hợp với Văn phòng tìm hiểu tài liệu pháp luật mới tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ cho hàng nghìn CNLĐ.

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người lao động, đồng thời tập trung hướng mạnh hoạt động về cơ sở, kịp thời chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho người lao động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ gìn giữ an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trên địa bàn.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/day-manh-hoat-dong-ho-tro-phap-ly-cho-nguoi-lao-dong-trongdoanh-nghiep-2821d60/
Zalo