Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thư viện tại BĐBP Bình Định

Trong thời gian qua, bằng việc áp dụng có hiệu quả công nghệ mới đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong thư viện cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định cũng như thư viện các đồn Biên phòng. Qua đó, đã nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ, phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Chỉ với những chiếc máy tính được kết nối mạng internet là có thể nhập dữ liệu sách vào phần mềm để quản lý, tìm kiếm. Ảnh: Thanh Bình

Chỉ với những chiếc máy tính được kết nối mạng internet là có thể nhập dữ liệu sách vào phần mềm để quản lý, tìm kiếm. Ảnh: Thanh Bình

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện thực chất là việc ứng dụng công nghệ số, có nghĩa là thư viện ứng dụng một trong các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); dữ liệu lớn (Big Data) hay điện toán đám mây (Cloud Computing). Việc chuyển đổi số trong hoạt động thư viện của các đơn vị BĐBP nói chung, BĐBP Bình Định nói riêng là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, góp phần rất quan trọng trong công tác quản lý cũng như nâng cao chất lượng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay. Với sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh Bình Định, các thư viện trong BĐBP tỉnh đã được sắp đặt lại một cách gọn gàng, ngăn nắp, khoa học và nhất là việc áp dụng ứng dụng mới VietBiblio đã tạo một bước đột phá mới, đem lại hiệu quả thiết thực.

Nền tảng số quản lý thư viện dùng chung VietBiblio ứng dụng công nghệ số như điện toán đám mây, xử lý dữ liệu (data analytics), công nghệ mở... Đây là phần mềm do Thư viện tỉnh Bình Định phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ nguồn mở với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện nhỏ, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Hiện nay, bằng ứng dụng Big Data, hệ thống thông tin quản lý tất cả các thư viện trên địa bàn tỉnh Bình Định được xây dựng và tích hợp vào hệ thống VietBiblio, dữ liệu thư mục của tất cả các thư viện trên địa bàn đều ở trong tình trạng sẵn có, việc xây dựng mục lục liên hợp dành cho các thư viện trong tỉnh trở nên dễ dàng hơn khi hệ thống tự động cập nhật dữ liệu từ mỗi thư viện trong cùng hệ thống.

Các thư viện trong hệ thống dùng chung với chi phí đầu tư tối ưu, bước đầu có thể thử nghiệm sử dụng AI trong nhận dạng khuôn mặt, dùng các thiết bị IoT giúp thư viện trở nên thông minh hơn ở các khía cạnh: An ninh, chiếu sáng thông minh, kiểm soát nhiệt độ và môi trường, tiết kiệm năng lượng, điều khiển thông minh... Đồng thời, ứng dụng công nghệ nguồn mở để thư viện có thể chủ động trong việc tích hợp các trang thiết bị mới, các công cụ mới nhằm cải tiến, rút ngắn các thao tác, quy trình, làm cho các hoạt động của thư viện trở nên đơn giản và dễ dàng hơn đối với nhân viên thư viện và người sử dụng...

Bắt nhịp cùng xu hướng chuyển đổi số trong hệ thống thư viện của tỉnh, các thư viện trực thuộc BĐBP Bình Định cũng đã nhanh chóng kết nối, ứng dụng công nghệ số. Tại Đồn Biên phòng Nhơn Lý, Thiếu tá Nguyễn Văn Triều, nhân viên báo vụ được giao nhiệm vụ quản lý tủ sách, anh cho biết: "Tôi thấy việc áp dụng công nghệ là rất thiết thực và hiệu quả. Sau khi dán tem, nhãn, chỉ với một vài thao tác đơn giản, toàn bộ thông tin của cuốn sách đã được nhập vào thư viện của đơn vị bằng cách sao chép của các thư viện có trong hệ thống liên hợp, rất nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và đầy đủ. Nếu như trước đây xử lý trong một ngày chỉ được vài chục cuốn sách, thì khi áp dụng phần mềm này có thể xử lý hàng trăm, thậm chí cả nghìn cuốn sách".

Sách trong thư viện được tìm kiếm thông qua chiếc điện thoại có kết nối mạng internet. Ảnh: Thanh Bình

Sách trong thư viện được tìm kiếm thông qua chiếc điện thoại có kết nối mạng internet. Ảnh: Thanh Bình

Hơn nữa, với việc áp dụng công nghệ số VietBiblio, cán bộ, chiến sĩ dễ dàng truy cập để tìm kiếm sách, tài liệu chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, hoặc máy tính có kết nối mạng internet. Đặc biệt, với thiết bị quét mã QR Code hoặc thiết bị quét mã vạch, các thư viện có thể dùng chính thẻ căn cước công dân để nhập nhanh tất cả các thông tin cơ bản của bạn đọc mà không mất nhiều thời gian, người sử dụng có thể dùng chính thẻ căn cước công dân hoặc tài khoản VNelD để thay thế cho thẻ thư viện.

Đại úy Phạm Thị Xuân Thu, nhân viên tài chính, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, BĐBP Bình Định chia sẻ: "Công nghệ mới giúp tôi thuận tiện trong quá trình tìm kiếm tài liệu. Tôi chỉ việc mở điện thoại ra, gõ tên tài liệu muốn tìm là có thể dễ dàng truy cập. Đặc biệt, thủ tục mượn trả tài liệu cũng chỉ cần đưa căn cước công dân và quét mã, rất thuận lợi và nhanh chóng. Không những thế, phần mềm này còn có thể liên thông thư viện, tôi có thể mượn trả tài liệu tại các thư viện có trong hệ thống liên hợp mà không cần phải trực tiếp đến nơi".

Đến thời điểm hiện tại, công nghệ số VietBiblio đã được áp dụng thành công tại 3/8 thư viện, tủ sách trong BĐBP Bình Định. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong ngành thư viện, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại, hoàn thành việc chuyển đổi số các thư viện còn lại và bố trí, sắp đặt lại thư viện, tủ sách một cách gọn gàng, khoa học. Cùng với đó, quảng bá, chia sẻ để ứng dụng thông minh này có thể áp dụng tại nhiều thư viện, tủ sách không chỉ trong BĐBP mà cả các đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thư viện, phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Thanh Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-thu-vien-tai-bdbp-binh-dinh-post484539.html
Zalo