Đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy ngành Tư pháp
Ngày 17-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 với hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật có nhiều điểm sáng. Nổi bật, Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Việc theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả hơn. Các cơ quan đã thi hành xong 896 bản án, quyết định hành chính (tăng 314 bản án, quyết định hành chính so với năm 2023).
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Tại hội nghị, ngành Tư pháp đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, 16 nhóm nhiệm vụ cho từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời đưa ra 6 giải pháp chủ yếu để triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025.
Đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính và kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp địa phương; giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, ngành Tư pháp thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Đặc biệt là kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; đồng thời, xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Phó Thủ tướng yêu cầu, toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả các lĩnh vực công tác, nhất là trong xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật. Quá trình triển khai cần gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương tinh gọn bộ máy; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, ngành Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Toàn ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm công tác Tư pháp, thi hành án dân sự, hỗ trợ đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.