Đây là loại hình di sản đặc biệt Việt Nam chưa từng có

Thời khắc Hội đồng Chấp hành UNESCO ghi danh 'Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân' của Việt Nam vào Danh mục Ký ức thế giới đã ghi dấu ấn đặc biệt trên bản đồ di sản tư liệu thế giới của Việt Nam.

Lần đầu tiên “gia tài” sáng tác của một nhạc sĩ người Việt có tên trong khối di sản tư liệu thế giới, góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu.

Tiết mục biểu diễn Hồi tưởng, Hợp ca Quê Hương, Lĩnh xướng Vũ Thắng Lợi, Dàn nhạc nhạc viện Rouen (Pháp), Chỉ huy Claude Brendel, ngày 31.3.2019

Tiết mục biểu diễn Hồi tưởng, Hợp ca Quê Hương, Lĩnh xướng Vũ Thắng Lợi, Dàn nhạc nhạc viện Rouen (Pháp), Chỉ huy Claude Brendel, ngày 31.3.2019

Bộ sưu tập hình thành trong hơn nửa thế kỷ

Theo TS Vũ Thị Minh Hương, chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế (IAC) của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO (MOW), Phó Chủ tịch Ủy ban khu vực UNESCO MOW châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, đến nay Việt Nam đã sở hữu 4 Di sản tư liệu thế giới và 7 Di sản tư liệu Khu vực châu Á- Thái Bình Dương được UNESCO công nhận, trong đó có bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Việc UNESCO ghi danh Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình nhạc sĩ mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, nhân dân Việt Nam. Di sản tư liệu này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản tư liệu, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn Việt Nam ra thế giới, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước và con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

(TS VŨ THỊ MINH HƯƠNG)

“Hồ sơ đề cử một loại hình di sản đặc biệt mà Việt Nam chưa từng có, đó là sưu tập tài liệu lưu trữ cá nhân của một nhạc sĩ do gia đình thu thập, bảo quản, gìn giữ mà không phải do một cơ quan nhà nước quản lý và đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy giá trị một cách rộng rãi. Nội dung hồ sơ đề cử hết sức độc đáo, phong phú và thể hiện rõ ý nghĩa quốc tế, có tầm ảnh hưởng sâu về chuyên môn, rộng về phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế, có sự lan tỏa cộng đồng trong và ngoài nước biết đến tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam”, TS Vũ Thị Minh Hương cho biết.

TS Minh Hương cũng cho rằng, sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành di sản tư liệu thế giới sẽ là tiếng chuông thức tỉnh gia đình các văn nghệ sĩ khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm, kiệt tác và tư liệu cá nhân của các nghệ sĩ, nghệ nhân..., phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Một câu chuyện khá thú vị phía sau hành trình này là việc TS Lê Y Linh, con gái cả của nhạc sĩ chính là người thay mặt gia đình thực hiện hồ sơ đề cử Di sản tư liệu cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, bà đã tập hợp, phục hồi, hệ thống hóa toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ với em trai, nhạc trưởng Lê Phi Phi.

“Tôi có một người bạn là một nhà nghiên cứu lịch sử, khi tôi có chia sẻ về việc chúng tôi đang sưu tầm và phân loại, phân tích khối lượng tác phẩm đồ sộ của nhạc sĩ, bạn nói tôi nên tìm hiểu Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Sau đó tôi viết thư cho GSKH Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), là người cùng thời với cha tôi và cũng biết cha tôi, hiện là Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia để nói về ý định muốn xây dựng hồ sơ. Bác đã giới thiệu tôi với TS Vũ Thị Minh Hương, và mọi việc bắt đầu từ đó…”, TS Lê Y Linh chia sẻ.

Cũng theo bà Linh, hình thành trong hơn nửa thế kỷ, bộ sưu tập được bắt đầu vào những năm 2000 với khoảng 100 bản ghi từ VOV; khoảng 100 bản ghi âm khác được nhiều người hâm mộ tặng từ 2018 đến nay, nâng tổng số bản ghi âm lên khoảng 200; khoảng 100 bản nhạc in do các cá nhân và tổ chức tặng vào năm 2019; hơn 100 video do VTV và các nghệ sĩ tặng.

Bên cạnh đó, khoảng 300 bản thảo chép tay và khoảng 50 bản nhạc in thuộc về kho lưu trữ cá nhân của Hoàng Vân và chưa bao giờ rời khỏi gia đình cho đến khi chúng được chuyển đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vào năm 2022.

“Năm 2020, sau khi so sánh các nguồn và tài liệu khác nhau, gia đình đã liệt kê, phân loại để hình thành sưu tập. Tất cả các tác phẩm đã được thống kê, số hóa và đưa lên trang web đa ngữ https://hoangvan.org. Trang web đã đạt được hơn một triệu lượt truy cập cho đến cuối năm 2024. Các bản thảo giấy hiện đã được gửi tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III từ năm 2022”, bà Linh cho hay.

Để sưu tầm các tài liệu, TS Lê Y Linh đã mở từng thùng carton, lật từng trang giấy hoen ố gấp đôi gấp ba lạc trong một cuốn sách, gọi điện, viết tin nhắn, viết thư cho các cơ quan, người hâm mộ, xin từ lý lịch tự thuật của ông đến các bản phỏng vấn, ghi chép về nhạc sĩ; sưu tầm các bài báo, sách in, băng, đĩa, file mềm tại thư viện, kho lưu trữ…

“Có những nhà sưu tập đã cho tôi bản in duy nhất anh đang có, có người tặng lại chúng tôi những bản nhạc, bản thảo, cuốn sách… vẫn còn giữ qua hơn nửa thế kỷ, hay gửi cho chúng tôi những tệp tin âm thanh tưởng như không bao giờ tìm lại được để sưu tập trở thành một tài sản của ngày hôm nay. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, khôi phục để phát huy những giá trị của sưu tập trong tương lai”, con gái cố nhạc sĩ bộc bạch.

Nhạc phổ bản thảo viết tay

Nhạc phổ bản thảo viết tay

Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quốc tế với những giá trị nổi bật.

Bộ sưu tập được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ (https:// hoangvan.org), góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm 700 tác phẩm, được nhạc sĩ sáng tác từ năm 1951- 2010. Với khoảng 1000 hạng mục, sưu tập tài liệu gồm nhạc phổ, bản thu thanh, bản thảo chép tay hoặc bản in, video, bài báo, nhạc phim, phỏng vấn, sách và ấn phẩm âm nhạc.

Được hình thành và phát triển qua sáu thập kỷ, sưu tập không chỉ là những tác phẩm có giá trị mang dấu ấn của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Tác phẩm giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân

Tác phẩm giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân

Sưu tập tài liệu cũng là nguồn tư liệu khoa học quý, cung cấp những thông tin giá trị về một giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành, phát triển của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, cũng như xã hội Việt Nam nói chung.

Hơn thế, sưu tập còn là công cụ tham chiếu hữu ích cho các nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam, các nước trong khu vực và giới nghiên cứu quốc tế.

Đồng thời, sưu tập tài liệu cũng được đánh giá mang tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm, các nghệ sĩ khắp thế giới có thể dễ dàng tiếp cận, biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân, khám phá một nền âm nhạc giàu bản sắc văn hóa Việt Nam, có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.

Sưu tập tài liệu mang sự toàn vẹn, phong phú về giá trị nội dung và đa dạng về chất liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tra cứu và nghiên cứu, là một điển hình về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu của một gia đình nghệ sĩ.

TS Lê Y Linh cho biết, có thể kể tới một số tài liệu quan trọng đặc biệt như hình ảnh bản thảo “Hồi tưởng” chép tay, có lẽ là đầu những năm 1960, và bản tổng phổ của “Hồi tưởng” đã được nhạc sĩ Hoàng Lương ghi âm lại qua bản thu năm 1976, được sử dụng rộng rãi đến ngày nay; hình ảnh Tập nhạc được giải Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất in năm 1955, trong đó “Hò kéo pháo” đoạt giải nhất, lúc nhạc sĩ Hoàng Vân đã lên đường đi sang tu nghiệp tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc); bản thu vào 1959- 1960, có lẽ là đầu tiên của “Thành đồng Tổ quốc”, một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam, do dàn nhạc Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh biểu diễn…

Nếu như nhiều bộ tài liệu khoa học hay nghệ thuật hàn lâm thường mang tính chuyên sâu, khó tiếp cận với đông đảo người yêu nhạc, thì tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân lại mang một sức sống đặc biệt.

Những sáng tác của ông trở thành giáo trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các trường âm nhạc và Nhạc viện, đồng thời, luôn xuất hiện gần gũi với công chúng trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế, cũng như các phong trào âm nhạc nghiệp dư.

Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) khẳng định, sưu tập tài liệu lưu trữ của Nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh Di sản tư liệu thế giới là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ di sản tư liệu (lĩnh vực âm nhạc) thuộc sở hữu gia đình, cá nhân, góp phần khẳng định tính thực tiễn, hiệu quả của Luật Di sản văn hóa năm 2024, là động lực cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của những di sản tư liệu, góp phần khẳng định vị thế di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

PHƯƠNG ANH - HỒNG GẤM

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/day-la-loai-hinh-di-san-dac-biet-viet-nam-chua-tung-co-127694.html
Zalo