Dạy học hai buổi/ngày: Tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện

HNN - Đa số ý kiến đều đồng thuận với chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày với định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh bậc trung học cơ sở (THCS). Tuy nhiên để hiệu quả, cần có thêm sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính.

 Cán bộ, giáo viên Trường THCS Phú Thuận làm việc

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Phú Thuận làm việc

Phát triển giáo dục toàn diện

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày; trong đó, quy định các trường không tổ chức dạy học văn hóa như buổi sáng mà định hướng tăng cường kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật và phát triển năng khiếu, sở thích nhằm phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nhiều phụ huynh ủng hộ chủ trương này bởi việc học 2 buổi/ngày sẽ tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện hơn. Chị Huỳnh Thị Như, phụ huynh ở quận Phú Xuân cho hay: "Chúng tôi muốn con không chỉ học các môn văn hóa mà còn phải có kiến thức về hội họa, âm nhạc, có kỹ năng tốt nên muốn sự vào cuộc quyết liệt của địa phương để hiện thực hóa được điều này".

TP. Huế đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày với 100% các trường tiểu học. Tuy nhiên, với THCS, THPT mới triển khai ở một số trường như Trường THPT Chuyên Quốc Học, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THCS Nguyễn Tri Phương… Thậm chí, mỗi trường có đến trên 15 câu lạc bộ; thu hút khá đông học sinh đến sinh hoạt tại trường và tự học tại thư viện.

Thầy giáo Nguyễn Đức Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, nhiều năm qua, nhà trường đã thực hiện học hai buổi/ngày, nhất là dành cho các môn như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, luyện tiếng Anh, kỹ năng sống... Ưu điểm của việc học 2 buổi/ngày là các em hiểu thêm nhiều về kiến thức mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế Nguyễn Tân cho rằng, học hai buổi/ngày sẽ tạo điều kiện để các trường giảm thời lượng số tiết/1 buổi, từ đó giảm áp lực học tập cho học sinh. Nhà trường sẽ có quỹ thời gian tổ chức nhiều hình thức câu lạc bộ, giáo dục kỹ năng, ngoại khóa... tạo môi trường cho học sinh rèn luyện kỹ năng, phát huy năng lực trong môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Cùng với đó, học sinh có thể đồng bộ được nghỉ ngày thứ 7; thời gian này, giáo viên có thể thực hiện các nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề...

Vẫn còn khó khăn

Quan điểm của thầy Trang là hoàn toàn thống nhất với chủ trương dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, trường có 13 lớp, nếu học 2 buổi/ngày cần phải có 13 phòng học (hiện mới chỉ 8 phòng học). Trước mắt nhà trường cố gắng tận dụng các phòng thực hành, phòng chức năng và phân thời khóa biểu sao cho hợp lý. Về lâu dài cần phải đầu tư xây dựng thêm 5 phòng học đảm bảo mỗi lớp một phòng (không kể phòng chức năng). Đối với học sinh chưa nắm vững kiến thức, hoặc muốn nâng cao kiến thức các môn học thì nhà trường sẵn sàng tổ chức tăng tiết, dạy trái buổi (không thu học phí) khi các em có nhu cầu.

Cô giáo Mai Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương bày tỏ, khó khăn đối với Trường THCS Hùng Vương là có đến 33 lớp cần 64 giáo viên, nhưng hiện chỉ có 58 giáo viên (mới tính dạy 1 buổi/ngày). Nhà trường chỉ có 17 phòng học, chỉ đủ dạy 1 buổi/ngày; nếu dạy 2 buổi/ngày cần có 33 phòng. Để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, nhà trường cần bổ sung thêm giáo viên, hoặc cho nhà trường cơ chế tuyển dụng hợp đồng giáo viên và cần được hỗ trợ ngân sách. Về phòng học, cần đầu tư xây mới, hoặc tận dụng các cơ quan còn dư thừa sau sáp nhập để phục vụ công tác giáo dục. Trường cũng cần đầu tư thêm trang thiết bị, như sân chơi, bãi tập, hội trường, nhà ăn, nhà bếp phục vụ bán trú…

Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Huế nhấn mạnh, để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, tất yếu cần tăng cường đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, tính toán lại quy định thời gian làm việc của giáo viên, xác định định mức kinh tế kỹ thuật để tính toán và quy đổi. Nơi thuận lợi, khuyến khích huy động thêm một phần nguồn lực xã hội hóa. Nơi khó khăn thì Nhà nước bao cấp và cũng có thể chỉ sử dụng nguồn lực tại chỗ với các hoạt động mức độ vừa đủ.

Nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về những chính sách để thu hút giáo viên vùng khó. Hiện, có thực trạng nhiều giáo viên sau ít năm công tác vùng cao, vùng sâu rồi có nguyện vọng chuyển về dạy học ở vùng thuận lợi, điều này ảnh hưởng đến duy trì kết quả phát triển chất lượng giáo dục. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, để rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng cần có chính sách phù hợp. Ngoài chế độ cho học sinh, cũng cần có chính sách đủ mạnh để giúp giáo viên ổn định, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao, vùng xa.

Bài, ảnh: H. Triều – Bảo Ngọc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/day-hoc-hai-buoi-ngay-tao-dieu-kien-de-hoc-sinh-phat-trien-toan-dien-153924.html
Zalo