Dạy học 2 buổi/ngày nếu được tổ chức tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích

Để triển khai việc dạy 2 buổi/ngày cần được thực hiện một cách linh hoạt theo tình hình thực tế địa phương, có lộ trình rõ ràng và điều kiện bảo đảm cụ thể.

Xung quanh việc tổ chức học 2 buổi/ngày của học sinh trung hoc cơ sở, trung học phổ thông, chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục đã có nhiều ý kiến phân tích, đóng góp để việc triển khai mang lại hiệu quả thật.

Cần hiểu rõ mục tiêu và nội dung của buổi học thứ hai

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng) chia sẻ, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Tuy nhiên, để triển khai việc này cần được thực hiện một cách linh hoạt theo tình hình thực tế địa phương, có lộ trình rõ ràng và điều kiện bảo đảm cụ thể. Đồng thời, dạy học 2 buổi/ngày cần sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, hợp lý, hài hòa giữa học tập và các hoạt động trải nghiệm, thiết kế chương trình học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh cũng như cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

Việc dạy 2 buổi/ ngày nếu được tổ chức tốt thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cần hiểu rõ mục tiêu và nội dung của buổi học thứ hai bởi nếu thiết kế học hai buổi/ngày mà buổi thứ 2 chỉ tập trung vào dạy kiến thức văn hóa thì chương trình vẫn sẽ thiếu hiệu quả.

Nhiều người thường nhầm tưởng rằng tăng thời lượng học sẽ giúp học sinh tiến bộ, nhưng với học sinh yếu, việc học quá nhiều dễ dẫn đến mệt mỏi, chán nản. Vì vậy, buổi học thứ 2 trong ngày có thể cho các em tham gia hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp, tham gia các hoạt động như câu lạc bộ thể thao, kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật... Việc tổ chức như vậy không chỉ giúp giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên mà còn tạo môi trường học tập tích cực, khiến học sinh yếu hứng thú hơn khi đến trường.

Đối với học sinh khá giỏi, việc này cũng giúp các em có cơ hội cân bằng giữa phát triển kiến thức văn hóa và rèn luyện kỹ năng toàn diện, từ đó phát huy tốt hơn tiềm năng của bản thân.

Còn theo một hiệu trưởng trường trung học cơ sở tại Thành phố Pleiku, Gia Lai chia sẻ, tinh thần hướng tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là đúng đắn, tuy nhiên để thực hiện trong điều kiện hiện nay thì khá khó khăn với nhà trường.

Hiện tại nhà trường chưa triển khai tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu phòng học. Trường đang có 46 lớp nhưng chỉ có 27 phòng học, mỗi buổi sẽ chia ra khoảng 22 đến 24 lớp. Bên cạnh đó, trường còn để ra khoảng 3 phòng thực hiện các nhiệm vụ khác như bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu theo quy định tại Thông tư 29.

Bên cạnh các vấn đề về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, điều kiện cốt lõi là phải xây dựng được một chương trình dạy học 2 buổi/ngày thật phù hợp, đúng nghĩa. Vì vậy, buổi học thứ 2 trong ngày có thể dành cho các môn học lựa chọn, tự chọn, năng khiếu, thể thao, hoặc hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm và rèn luyện sức khỏe.

Điều này giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sâu rộng, tạo điều kiện để các em rèn luyện thói quen học tập kỷ luật, quản lý thời gian và sức khỏe tốt hơn, góp phần cho học sinh trưởng thành toàn diện. Đặc biệt nhiều gia đình đi làm ăn xa không có điều kiện để quản lý con dẫn đến các em dễ sa đà chơi game, xem tivi, lạm dụng sử dụng mạng xã hội... nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày việc quản lý học sinh sẽ tốt hơn.

Để triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao khi chuyển sang dạy học 2 buổi 1 ngày, cần phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc. Đồng thời, cần có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh, giúp các trường tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, thiếu nhất quán và hiệu quả không cao.

 Ảnh minh họa. Mộc Hương

Ảnh minh họa. Mộc Hương

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, việc học 2 buổi/ngày đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể giúp học sinh nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, tăng thời gian đến trường cũng sẽ tạo điều kiện để giáo viên quan sát và tổ chức các hoạt động giáo dục cá nhân hóa, phát huy thế mạnh của từng học sinh. Chủ trương này cũng rất phù hợp với tinh thần của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là buổi học thứ hai không được tổ chức theo hướng nhồi nhét kiến thức hay trở thành một hình thức học thêm trá hình. Đó phải là không gian để phát huy năng lực cá nhân, xây dựng năng lực tự học, phát triển kỹ năng sống, và đặc biệt là để các em được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và gắn kết với nhà trường. Buổi học thứ hai cần được thiết kế để học sinh phát triển được năng lực và phẩm chất như: Tư duy phản biện, kỹ năng sống, STEM, hướng nghiệp, giáo dục giới tính, phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng tham vấn tâm lý

Làm gì để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả?

Để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ về cách thức tổ chức, nội dung chương trình học tập, nguồn kinh phí... để tránh mỗi nơi thực hiện mỗi khác bởi nhiều địa phương vẫn tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở giáo dục trung học đều thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên công văn này có nhiều điểm không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có sự đồng thuận trong ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, học sinh để triển khai đồng bộ và đúng hướng. Khi đó, học sinh sẽ được học tập và trải nghiệm đầy đủ ngay trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời, việc xây dựng chương trình dạy học hai buổi/ngày cần được thực hiện trên cơ sở phù hợp với kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường, nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Đây không chỉ là một phương thức tổ chức thời gian học tập, mà còn là công cụ quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học, tạo cơ hội giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả.

Ngoài ra, chương trình dạy học hai buổi/ngày cần được thiết kế một cách chỉn chu, khoa học, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuyên môn và phải được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.

Thêm vào đó, kinh phí chi trả cũng là vấn đề băn khoăn, để tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, trường cần xây dựng kế hoạch chi trả kinh phí như thế nào, vận hành ra sao.

Cuối cùng, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đáp ứng đủ phòng học cũng như các điều kiện thiết yếu khác, tránh tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, thư viện, sân chơi bãi tập…

Thanh Thúy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/day-hoc-2-buoingay-neu-duoc-to-chuc-tot-se-mang-lai-nhieu-loi-ich-post250640.gd
Zalo