Đẩy giá, thổi giá đất lên cao rồi bỏ cọc đấu giá, chuyên gia đề xuất cần có chế tài vào cuộc ngăn chặn tình trạng này

Hiện nay tại một vài phiên đấu giá cao bất thường tại Hà Nội đã có hiện tượng bỏ cọc gây ra rất nhiều hệ lụy. Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng cần có chế tài vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Nửa đầu tháng 8/2024, 2 phiên đấu giá đất tại 2 huyện Thanh Oai và Hoài Đức gây sự chú ý lớn trong dư luận bởi giá trúng đấu giá cao đột biến, lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Hơn 1 tháng qua, dư luận rất quan tâm đến việc liệu nhà đầu tư có bỏ cọc trúng đấu giá những lô đất cao tại 2 phiên đấu giá trên. Liệu có hiện tượng đẩy giá, tạo sóng bất động sản trong những phiên đấu giá cao bất thường này không?

Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 1 tháng trôi qua dù đã hết thời hạn nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất thuộc xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội đợt 1 nhưng nhiều người trúng đấu giá vẫn chưa đóng đủ tiền theo thỏa thuận.

Theo thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền, là những lô có mức giá trúng thấp. Lô đất được trúng giá hơn 100 triệu đồng/m2 hiện chưa nộp tiền đợt 1. Tuy nhiên theo quy định phải hết 120 ngày mới hủy kết quả phiên đấu giá nên huyện chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.

Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng đẩy giá, bỏ cọc gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Ông Bùi Ngọc Sơn - Nguyên Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới nhận định: "Hiện tượng trả giá cao - thổi giá nhằm đẩy giá những lô đất khác để hưởng chênh lệch... rồi bỏ cọc những lô trúng giá cao chót vót không còn xa lạ. Hiện tượng này đã từng gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản. Các chuyên gia cũng nhận định: chính các nhà đầu tư cũng không nên tự tham gia tạo sóng rồi chịu rủi ro gẫy sóng."

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến cáo: "Các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng khi tham gia các cuộc đấu thầu đấu giá, xác định giá thị trường và tính toán phải hết sức cẩn trọng để tránh tham gia vào việc đẩy giá bất động sản lên quá mạnh. Khi đó đương nhiên tạo hệ lụy k tốt cho việc đầu tư theo cách lành mạnh, bền vững."

Để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất cần phải có một chế tài vào cuộc. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản mới được thông qua vào tháng 6 vừa qua, người bỏ cọc đấu giá thì sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, luật này phải chờ tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành.

Hồng Thủy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/day-gia-thoi-gia-dat-len-cao-roi-bo-coc-dau-gia-chuyen-gia-de-xuat-can-co-che-tai-vao-cuoc-ngan-chan-tinh-trang-nay-172240919132040359.htm
Zalo