Đầu xuân, nhớ bác Tiến 'ảnh'
Ông là nhà nhiếp ảnh Trịnh Đình Tiến (1938-2021), hậu duệ đời thứ 10 của chúa Trịnh Căn. Cha ông là nhà tư sản dân tộc Trịnh Đình Kính, nổi tiếng giàu có, người làm ra thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam, sản phẩm từng được xuất sang Pháp. Chị gái là Trịnh Thị Ngọ, nổi danh với cái tên Hanoi Hannah - phát thanh viên chương trình tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam thời chống Mỹ. Nhưng anh em bè bạn gần gũi hay gọi thân mật là bác Tiến 'ảnh'.
1. Quen biết ông đã hơn 2 chục năm, xưng là anh em, nhưng ông hơn tôi 17 tuổi, có thể gọi là bậc anh cả. Tôi làm nghề báo, ông làm nghề ảnh, vì thế chỉ riêng về nghề cũng đã rất gần nhau. Mỗi khi cần một bức ảnh lịch sử nào đó về Hà Nội, hễ tôi gọi đến ông là thế nào cũng có được một bức cực kỳ hiếm hoi và quý giá. Thậm chí có những bức là “độc nhất vô nhị” trên đời, như bức do chính ông chụp cái cổng chào được dựng lên ở đầu phố Hàng Thiếc chào đón bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, khi ông mới tròn 16 tuổi.
Danh chính ngôn thuận là phóng viên ảnh của Tạp chí Xưa và Nay, nhưng ông là “Ngân hàng ảnh lịch sử Hà Nội” của hầu hết các tòa soạn trong cả nước. Ông có một kho tư liệu ảnh vô giá, ghi lại hình ảnh của Hà Nội trải qua nhiều chục năm, về con người, cảnh sắc, phường phố, y phục, xe cộ… và những nghệ sĩ tài hoa của Hà Nội như danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…
Còn nghề kiếm sống chính của ông là… chụp ảnh dạo quanh Bờ Hồ, chụp hội nghị, mít tinh, kì cuộc kỉ niệm, chụp đám cưới đám ma, chụp sinh nhật, chụp phong cảnh, chụp chân dung anh em bè bạn, chụp những người Hà Nội mà ông gặp, yêu cũng chụp mà ghét… cũng chụp.
Những sáng cuối tuần đi cafe trên phố cổ, gần nhà riêng ở phố Hàng Bồ, lúc nào ông cũng ôm theo một cái túi, trong đó ngoài cái máy ảnh đương nhiên phải có, là những album ảnh ông tự chụp, đi in rồi cho vào album để tặng người bạn bè ông chụp. Rất nghèo như nhiều thợ ảnh, nhưng tôi chưa từng thấy ông nhận từ ai một đồng nhuận ảnh nào khi trao các bức ảnh cho họ. Với ông, chụp ảnh không còn là một nghề. Nó là niềm vui, niềm hạnh phúc, là Nghiệp của đời ông rồi.
2. Ông có cha là Trịnh Đình Kính, người từng mở xưởng sản xuất thủy tinh tại phố Hàng Bồ, Hà Nội, lấy tên THỦY TINH THANH ĐỨC vào đầu thế kỷ XX với diện tích hàng ngàn mét vuông. Dần dà xưởng của cụ Kính nổi tiếng, cụ được vinh danh là “Ông vua thủy tinh Đông Dương”. Các sản phẩm thủy tinh Thanh Đức từng được xuất hàng sang Pháp và châu Âu, cụ Kính trở thành một trong những người giàu có nhất của Hà Nội bấy giờ.
Khi đã có của để, cụ Kính đã về quê ở làng Đôn Thư, Kim Thư, Thanh Oai, Hà Đông cũ, xây dựng và trùng tu di tích đình, chùa của làng, trong đó có nâng cấp ngôi thờ tổ 9 đời của cụ là Chúa Trịnh Căn thành Thế Miếu họ Trịnh (là đền thờ vọng các chúa Trịnh duy nhất ở Hà Nội hiện nay).
Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tuần lễ Vàng cứu quốc, cụ Kính Thanh Đức đã dành nhiều vàng, tiền ủng hộ Chính phủ. Năm 1955, xưởng thủy tinh Thanh Đức bị sung công, cụ Thanh Đức bị cải tạo lao động, sau được sửa sai, nhưng không trả tài sản. Các con cháu cụ Kính chỉ thu lại 100m2 ở số 65 Hàng Bồ, lâu ngày chuyển đổi tiếp, ông Trịnh Đình Tiến là con trưởng giữ hương hỏa thờ phụng nơi tầng 2 chật hẹp, tối tăm, ẩm thấp...
3. Lần cuối gặp nhau là mùa Đông năm 2020, vài tháng trước khi ông phải vào nằm Viện ung bướu rồi để mãi mãi không trở về. Hôm ấy ông đến nhà thăm tôi đang bị đau gút và khớp không đi lại nổi, chỉ nằm trên giường tiếp ông. Ông ôm theo bọc bánh rán nóng mua ở một quán bánh nổi tiếng thơm ngon ở phố Lý Nam Đế đến. Mà không chỉ hôm ấy, cứ mỗi khi đến nhà tôi chơi, bao giờ ông cũng có chút gọi là “đồng quà tấm bánh” cho gia chủ, rất nhỏ nhẹ, khiêm nhường, nhưng đúng chất thanh lịch Hà thành xưa.
Hai anh em dùng bánh xong thì chuyển sang thưởng trà. Tôi đau không ngồi dậy được, ông hai tay bưng tách trà đến tận giường cho tôi nhổm dậy uống. Run rẩy vụng về thế nào đó, ông đánh đổ cả tách trà lên ga gối giường tôi.
Tôi hét toáng lên vì nóng bỏng. Rồi cằn nhằn ông vô ý vô tứ nọ kia. Giống như mọi ông anh, người bạn khác thường yêu chiều tôi trong đời, ông chả lấy làm điều, cứ cười nhũn nhặn, luôn miệng xin lỗi bằng tiếng Tây “Pardon”, “Pardon”, như một thói quen của các bậc thượng lưu phố cổ Hà Nội xưa.
Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến ra đi vào hồi 2h30 sáng 5/1/2021 (tức ngày 23/11 năm Canh Tý), hưởng thọ 84 tuổi. Tính theo lịch dương, đến nay ông đã rời cõi trần tròn 4 năm.
Hôm nay nhân đầu năm mới, tôi có đôi dòng hồi tưởng về ông, một người anh cả hiền lành và chu đáo như người mẹ; một nhà nhiếp ảnh, một người Hà Nội tài hoa, nhân ái và thân thiện.