Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Trưa 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì Tọa đàm với các tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu 'Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh'.
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức.
Tọa đàm tập trung thảo luận kinh nghiệm đầu tư và phát triển ngành công nghệ cao, chuyển đổi xanh và năng lượng, tài sản số…; khuyến nghị cho Việt Nam; kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ Việt Nam với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ. Các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ đầu tư và các tập đoàn công nghệ phát biểu về: kinh nghiệm đầu tư và phát triển ngành công nghệ cao; khuyến nghị cho Việt Nam; kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tập đoàn FPT và Tập đoàn Vinacapital tổ chức Tọa đàm; sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cao – một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên mà công nghệ cao đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng sống của con người. Việt Nam nhận thức sâu sắc phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp đến Việt Nam để cùng phát triển các giải pháp đột phá, sáng tạo, bền vững; sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ hiện đại từ thế giới với tinh thần cầu thị và hợp tác. Việt Nam đặt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của thế giới. Trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể:
Ưu đãi đầu tư: các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu tài sản cố định, khấu hao nhanh,... Hỗ trợ đầu tư: Chính phủ vừa mới thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để thực hiện hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao. Thủ tục đầu tư đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội thông qua áp dụng cho các dự án công nghệ cao. Theo đó, sẽ thực hiện nguyên tắc hậu kiểm, đơn giản tới mức tối đa các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,... theo các cam kết và đăng ký của Nhà đầu tư công nghệ cao; cơ quan nhà nước kiểm tra việc tuân thủ trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được quy định và đăng ký, cam kết của nhà đầu tư. Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao: Chính phủ tập trung đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo; hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao tính minh bạch và đồng bộ trong các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao…
Trên tinh thần đó, đồng chí mong muốn các tập đoàn tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng; tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong củng cố các chuỗi cung ứng; tiếp tục mạnh dạn, chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt cơ hội để hợp tác phát triển. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm là phải có sản phẩm”, Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Năm 2024, FPT lần đầu tiên công bố chiến lược đầu tư vào 5 lĩnh vực trong yếu AI - Bán - Xe - Số - Xanh (AI, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh). Với năng lực công nghệ, kinh nghiệm tích lũy, FPT tin tưởng, đây không chỉ là 5 lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng đưa FPT trở thành tập đoàn công nghệ số tầm cỡ thế giới đạt doanh thu 5 tỷ USD từ nước ngoài vào năm 2030 mà còn là cơ hội đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia tiên tiến, vươn mình trong kỷ nguyên mới…