Cơ hội lớn cho hành động lớn
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào 'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.
Tạo bước ngoặt để đạt mục tiêu chiến lược
Để có được kỷ nguyên vươn mình, ngay từ năm 2025 phải có một thay đổi lớn, tạo bước ngoặt để đạt được mục tiêu chiến lược, mục tiêu của quy hoạch quốc gia, của giai đoạn 2030 và 2045, trong đó tăng trưởng GDP ở mức cao.
Năm 2024 đã có được những kết quả tích cực: vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu, trong đó tăng trưởng GDP đạt 7% - là mức cao so với khu vực và thế giới.
Mục tiêu kế hoạch đặt ra cho năm 2025 GDP tăng khoảng 6,5-7% , phấn đấu 7-7,5%. Đất nước muốn trở nên lớn mạnh, hùng cường và thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế phải ở xu thế tăng lên và tăng ở mức cao.
Nhưng nhìn lại 4 thập niên Đổi mới, đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thế và lực tăng lên, nhưng cứ sau mỗi thập niên tăng trưởng GDP lại một lần suy giảm. Thập niên đầu tiên GDP tăng 7,6%, thập niên thứ hai tăng 6,6%, 10 năm tiếp theo tăng 6,32%, và nếu năm 2025 GDP tăng được 7-7,5% thì GDP trung bình của thập niên thứ 4 này chỉ ở mức 5,9-6%.
Nếu tăng trưởng chỉ quanh ở các mức này, cũng không đủ để đạt được mục tiêu 2030-2045. Và nguy cơ tụt hậu về công nghệ, về kinh tế và rất nhiều thứ ngày càng xa thêm.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược không thể không thúc đẩy tăng trưởng, và tăng trưởng phải đạt hai con số mới tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn tiếp theo. 2025 là năm cuối phải bứt tốc để đạt kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng là năm có Đại hội Đảng lần thứ XIV, xây dựng định hướng và kiến tạo chiến lược phát triển cho giai đoạn tới.
Như vậy mục tiêu đã rõ, khát vọng đã có, kỳ vọng đang nhen lên, cần phải có sự thay đổi, đột phá và bứt tốc tạo nên bước ngoặt để bật đi lên, để dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Điểm nghẽn thể chế và quyết tâm chính trị
Tôi cũng rất tâm đắc khi Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ rõ “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ta hình dung như xe đi trên đường cao tốc tốc độ 100-120km/h, nhưng đường đang từ 5 làn lại hẹp dần, và dừng lại nhiều trạm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Không phải một trạm mà rất nhiều trạm, không chỉ trên đường chính mà ở cả những đường nhỏ, đường ngách… Đó là điểm nghẽn. Những điểm nghẽn này gây ra chậm trễ, mất cơ hội kinh doanh, làm nản lòng những người đầu tư và tất cả mọi thứ.
Đấy là chưa kể không biết thực thi thế nào đúng, thế nào là sai. Dưới luật có nghị định hướng dẫn, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định, nhưng những hướng dẫn này lúc thì bắt đi con đường này, lúc lại bắt đi qua đường khác. Mất rất nhiều thời gian. Vậy muốn tạo bước ngoặt phải làm thế nào?
Trước hết phải cải cách thể chế, đồng thời phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Muốn tăng khả năng chống chịu, muốn có phồn vinh và thịnh vượng, muốn đất nước hùng cường, tự chủ và độc lập, khu vực kinh tế tư nhân phải phát triển, doanh nghiệp tư nhân phải lớn mạnh.
Nhưng hiện đầu tư tư nhân đang giảm sút, doanh nghiệp rời thị trường đang ở mức cao. Một đất nước đang phát triển mà đầu tư chỉ tăng 5-7%, thì không thể xây dựng được tiềm năng tăng trưởng cho tương lai, lấy đâu ra tăng trưởng GDP 10%.
Thể chế bị điểm nghẽn là do tư duy “không quản được thì cấm”. Hệ thống luật lệ có ý nghĩa quan trọng nhất, nhưng lại là điểm tắc nghẽn nhất trong hệ thống thể chế hiện nay. Phải dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, dứt khoát thay đổi việc luật lệ ban hành ra chỉ để quản lý.
Thay vào đó là thể chế mở không gian phát triển, thúc đẩy phát triển, khích lệ tinh thần tự do kinh doanh, khát khao kinh doanh đóng góp cho phát triển của đất nước. Luật pháp về kinh tế phải khuyến khích, tạo cơ hội phát triển, thúc đẩy phát triển và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chúng ta phải có sự thay đổi cơ bản, chứ không phải là cách cắt giảm quy định, sửa luật hiện nay. Phải mạnh tay loại bỏ nhiều cái văn bản chứ không phải chỉ loại bỏ một số quy định, một số luật trung gian phải loại bỏ. Đồng thời đổi mới cả tư duy thực thi luật pháp hướng theo mục tiêu, theo kết quả, chứ không phải bó buộc phải làm theo quy trình.
Tư duy mới không thể chạy trên nền những luật lệ được ban hành theo tư duy cũ. Như thế mới có năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mới có được sự thay đổi và bứt phá.
Đây là thời điểm, là thời cơ, là sự thúc bách phải hành động với quyết tâm chính trị. Như nhiều người đã nói, lúc này cần một cuộc đổi mới mới. Trong đó phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình, tháo bỏ mọi rào cản, mở không gian phát triển.
Giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, dám nghĩ lớn, dám làm lớn. Và tôi thấy đây là một cơ hội lớn cho những người hành động lớn.
Cải cách thể chế, đồng thời phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Bởi muốn tăng khả năng chống chịu, muốn có phồn vinh và thịnh vượng, muốn đất nước hùng cường, tự chủ và độc lập, khu vực kinh tế tư nhân phải phát triển, doanh nghiệp tư nhân phải lớn mạnh.