Đầu tư mạnh vào công nghệ để duy trì tốc độ tăng trưởng

Phấn khởi trước Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% trong năm 2024, nhưng muốn đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2025, tạo tiền đề để tăng trưởng GDP đạt trên 8% như mục tiêu Chính phủ đặt ra, theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cần đầu tư mạnh vào công nghệ.

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, thì IIP lại không diễn biến như vậy. Bà có thể giải thích tại sao?

Tính theo quý, IIP quý I/2024 tăng khá thấp (5,9%), nhưng sang quý II tăng tốc, đạt 9,9%; quý III có xu hướng chậm lại, đạt 9,3%, quý IV chỉ còn tăng 7,9%. Số liệu này không nói lên hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp gặp khó khăn, mà là do cách tính tốc độ tăng trưởng của GDP nói chung, cũng như từng khu vực kinh tế nói riêng là so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024, IIP chỉ tăng 7,9% là do cùng kỳ năm 2023 tăng 5%; trong khi đó, IIP quý II và quý III/2023 tương ứng giảm 0,2% và tăng 2,8%, nên IIP quý II và quý III năm nay tăng cao.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, nên sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, nhờ đó, IIP cả năm 2024 tăng 8,4% - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Nghĩa là không đáng ngại khi IIP quý IV giảm so với 2 quý trước đó?

Trong mức tăng IIP năm 2024, thì ngành công nghiệp “xương sống” là chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp tới 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm...

Phân tích cụ thể hơn đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng khoảng 25%; giường, tủ, bàn, ghế tăng gần 24%; xe có động cơ tăng trên 21%; da giày và các sản phẩm có liên quan tăng 13,7%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,6%; dệt may tăng trên 12%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, thiết bị điện tăng khoảng 12%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,3%...

Thưa bà, phải chăng IIP cả ngành công nghiệp nói chung, từng phân ngành nói riêng tăng cao là do năm 2023 tăng thấp, thậm chí giảm?

Không thể phủ nhận nguyên nhân này, nhưng phải khẳng định, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 vẫn có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.

Có được kết quả này là nhờ sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ. Các phản ứng chính sách của Chính phủ rất nhanh, nhiều chính sách ban hành kịp thời, tháo gỡ không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử, việc giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tăng khối lượng sản xuất, kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp hỗ trợ khác tăng theo.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đẩy mạnh. Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế là sự dịch chuyển đơn hàng dệt may, da giày do tình hình bất ổn tại Bangladesh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng sản xuất, xuất khẩu đối với sản phẩm dệt may, da giày.

Ngoài ra, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư, nhất là tại các trung tâm công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... cũng góp công lớn cho tốc độ tăng trưởng IIP.

Nhưng thưa bà, lợi thế từ bên ngoài đang giảm dần, khi gần đây những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may, da giày như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ... đang dần chiếm lại thị trường?

Đúng là Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu khi các đối thủ cạnh tranh gặp bất ổn. Nhưng bất ổn chính trị, xã hội trên thế giới chỉ là tạm thời, vì vậy, khi đã tận dụng được cơ hội, chúng ta phải cố gắng giữ thị phần, thậm chí còn phải mở rộng hơn nữa.

Để làm được việc này, về phía các bộ, ngành, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực thi, đảm bảo tính minh bạch, khả thi và thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước chỉ xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, chứ không thể làm thay doanh nghiệp. Muốn giữ được “miếng bánh”, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, vì trong chuỗi sản xuất, công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước, tạo thành chuỗi tuần hoàn.

IIP năm 2024 tăng 8,4% có yếu tố là năm 2023 chỉ tăng 1,3%. Nhưng năm nay, để đạt được tốc độ tăng bằng năm 2024 không phải là dễ, vì đứng trên nền so sánh cao hơn, thưa bà?

Có thể nói, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là yếu tố quyết định tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo lại phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa bao giờ là dễ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách giữ chân khách hàng bằng cách chấp nhận đơn hàng không phải là thế mạnh, không có lãi để giữ việc làm cho người lao động và để khách hàng không “quay xe”, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài.

Song song với việc giữ chân khách hàng, phải khai thác, mở rộng thêm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ” để giảm thiểu rủi ro.

Cuối cùng, một điều rất quan trọng là phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, dây chuyền, thiết bị, máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm tối đa mọi chi phí chưa thực sự cần thiết trong sản xuất, nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-manh-vao-cong-nghe-de-duy-tri-toc-do-tang-truong-d240098.html
Zalo