Đầu tư hệ thống bể chứa rác thải trong sản xuất nông nghiệp
Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, không ít người dân vẫn giữ thói quen vứt vỏ bao bì, chai lọ ngay tại đồng ruộng sau khi sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Trước thực trạng đó, hầu hết các địa phương đã triển khai xây dựng mô hình bể chứa rác thải ngay trên đồng ruộng.
Xã Xuân Lai (Thọ Xuân) có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 280ha, trong đó có 165ha trồng lúa, 70ha trồng các loại rau màu... Vì vậy, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất của các hộ dân khá cao, thải ra môi trường lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng lớn, ảnh hưởng xấu đến đời sống của sinh vật, con người, giảm sút hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng đó, Hội Cựu chiến binh xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt ở khu dân cư về hậu quả của rác thải trên đồng ruộng; xây dựng mô hình “Thu gom vỏ bao bì, thuốc BVTV qua sử dụng” với 70 bể thu gom và tổ chức cho các hộ dân ký cam kết bỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng vào bể chứa...
Ông Hà Duyên Ngọc, người dân thôn 7 cho biết: Các bể chứa thu gom được đúc bằng bê tông dày, có đế và nắp đậy, đặt tại các ngả đường chính dẫn ra khu vực sản xuất để thuận tiện về giao thông, xa nguồn nước sinh hoạt, xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Từ khi mô hình được đưa vào thực hiện, thực trạng vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi đã giảm.
Từ năm 2013, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đồng loạt nhân rộng mô hình với khoảng 3.300 bể chứa. Người dân đã dần hình thành thói quen thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể chứa để xử lý, qua đó góp phần chung tay nâng cao chất lượng môi trường.
Những năm trước đây, nông dân xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) có thói quen bỏ những vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng xong ra ruộng, kênh mương. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của hành động này, nhưng tình trạng vẫn diễn ra khá phổ biến. Hướng tới phong trào xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp, xã Hoằng Kim đã triển khai lắp đặt, bố trí ít nhất mỗi cánh đồng một bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại những nơi thuận tiện đi lại của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, sau khi sử dụng phải phân loại rác thải đúng nơi quy định, định kỳ thực hiện thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV tại các bể chứa đến địa điểm tập kết để vận chuyển đến nơi tiêu hủy. Hiện nay, 82 bể chứa có nắp tại khắp các cánh đồng, kênh mương đã phát huy hiệu quả, hầu như không còn tình trạng vứt bừa bãi chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV; người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Các địa phương cũng đã bố trí kinh phí tiếp tục xây dựng các bể chứa tại các xã, phường, thị trấn, nhất là tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc vứt vỏ bao bì, vỏ thuốc BVTV tại các bờ ruộng; tổ chức thu gom, xử lý bao bì từ các bể chứa theo quy định và nghiêm túc xử lý các trường hợp vứt rác thải bừa bãi. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc BVTV người dân cũng cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV. Cùng với việc nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sản xuất đến chất lượng môi trường.