Đầu tư điện hạt nhân cần nguồn lực tài chính mạnh

Các dự án điện hạt nhân luôn đi kèm với những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ. Điện hạt nhân vừa phức tạp về công nghệ lại vừa liên quan đến an ninh quốc phòng nên buộc phải Nhà nước đứng ra đầu tư.

Điện hạt nhân giúp đảm bảo an ninh năng lượng

Thời gian gần đây, dựa trên Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo với Chính phủ về phát triển điện hạt nhân. Tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trình bày trước Quốc hội mới đây, việc phát triển điện hạt nhân cũng được đề cập.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương đã đề cập đến lý do tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Bộ Công Thương cho rằng, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định. Đồng thời, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.

Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

Sau khi liệt kê những nguồn cung điện lớn ở nước ta trong quy hoạch, Bộ Công Thương chỉ rõ, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn ở giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện. Việc phát triển điện hạt nhân ở bất kỳ cấp độ nào, bao gồm việc phát triển điện hạt nhân loại nhỏ, cần có định hướng của Đảng, Nhà nước và việc đầu tư phải tuân thủ Luật Năng lượng nguyên tử.

Theo Bộ Công Thương, các vấn đề như công suất điện, vị trí bố trí và cách thức đảm bảo cung cấp điện, sẽ được bộ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch điện và triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân. "Các dự án điện hạt nhân sẽ phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện theo quy định Luật Năng lượng nguyên tử", Bộ Công Thương nêu rõ.

Theo đó, cơ chế đặc thù điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu cho từng dự án cụ thể và đề xuất trong chủ trương đầu tư dự án để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, với xu hướng chuyển dịch ngành năng lượng tiến tới Net Zero và trong bối cảnh các nguồn năng lượng cơ bản (điện than, điện khí) đều có những nhược điểm rất lớn về phát thải khí nhà kính, tính không ổn định về giá cả... thì điện hạt nhân phải trở lại với tư cách là nguồn điện nền, đảm bảo ổn định khi chúng ta tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời lên cao. Do đó, sử dụng nguồn điện hạt nhân là cực kỳ quan trọng.

"Muốn độc lập về mặt năng lượng, chúng ta phải giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Thế nhưng, chuyển từ than sang khí; hoặc đẩy cao tỷ trọng về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, xa hơn nữa là điện gió ngoài khơi... thì hầu như tất cả công nghệ hay nhiên liệu đều phải nhập khẩu.

Còn điện hạt nhân, chúng ta đã có thời gian chuẩn bị rất lâu, khoảng hơn 30 năm. Chúng ta có cả địa điểm dự kiến xây dựng cho đến công nghệ, công suất ước tính bao nhiêu... Việc phát triển nguồn điện này sẽ giúp chúng ta hạn chế phụ thuộc vào sự biến động của giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới hay những biến động của địa chính trị quốc tế", TS Hà Đăng Sơn nói.

Đầu tư điện hạt nhân

Ngoài vấn đề công nghệ an toàn, tài chính là một vấn đề lớn khi phát triển điện hạt nhân. Theo TS Hà Đăng Sơn, đặt lại vấn đề tái khởi động điện hạt nhân sau 10 năm thì không phải đơn giản. Song, các dự án điện hạt nhân về cơ bản bao giờ cũng đi kèm với những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ.

Điện hạt nhân vừa phức tạp về công nghệ lại vừa liên quan đến quá nhiều quy định, đến an ninh quốc phòng nên buộc phải Nhà nước đứng ra đầu tư. "Trường hợp lựa chọn có sự tham gia của tư nhân thì phải đặt vấn đề họ lấy tiền ở đâu để thực hiện. Tôi cho rằng sẽ không có tư nhân nào ở nước ta đủ nguồn lực và mạnh để triển khai dự án điện hạt nhân", TS Hà Đăng Sơn nhận định.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, so với nghiên cứu của Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đầu những năm 2000, bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Suất đầu tư điện hạt nhân đã tăng cao khi các tiêu chuẩn an toàn được nâng lên sau tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima và kinh nghiệm triển khai một số dự án điện hạt nhân thế hệ mới trong thực tế.

Năng lượng tái tạo được phát triển rất nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam; Các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh; Mục tiêu giảm phát thải ròng về Net Zero đã được đặt ra và việc buôn/bán chỉ tiêu phát thải CO2 đã được thực thi trên thế giới; Công nghệ phát điện từ than và khí có hệ thống thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon đã được phát triển để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải CO2.

Kết quả nghiên cứu mới của Cơ quan Năng lượng hạt nhân (NEA) cho thấy, điện hạt nhân - công nghệ phát thải ít carbon vẫn là loại công nghệ có giá phát điện thấp nhất. Chỉ các nhà máy thủy điện lớn mới có thể có giá phát điện so sánh được với điện hạt nhân, nhưng vẫn lệ thuộc mạnh vào điều kiện tự nhiên của từng nước.

So sánh với phát điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch, điện hạt nhân có ưu thế hơn nhiều so với điện than. Điện từ tua bin khí hỗn hợp có thể cạnh tranh được trong một số khu vực, nhưng giá phát điện của loại này lại phụ thuộc vào giá của khí tự nhiên và giá buôn/bán chỉ số phát thải CO2 ở các khu vực.

Điện tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân đã vận hành trong thời gian dài bằng việc kéo dài thời gian vận hành so với thiết kế có tính cạnh tranh rất cao và vẫn giữ nguyên. Đây không chỉ là loại phát điện có giá thấp nhất trong các loại hình phát điện carbon thấp khi so sánh với các nhà máy điện mới xây, mà còn đối với tất cả các loại phát điện trên thế giới.

Cho rằng điện hạt nhân là "một lựa chọn quan trọng và cần thiết" đưa vào luật Điện lực sửa đổi, song GS.TS Trần Đình Long (Hội Điện lực Việt Nam) bày tỏ lo ngại về việc đầu tư cần nhiều thời gian, trong khi giải quyết nhu cầu điện từ nay đến năm 2030 cần bổ sung nguồn nhanh, ổn định hơn.

"Điện mặt trời vài ba năm là có, điện gió mất cả 5 năm, nhưng điện hạt nhân từ khi chúng ta tái khởi động, đến khi tìm vị trí để xây… có thể mất trên chục năm. Nhu cầu điện đến năm 2030 lại vô cùng cấp bách, nên nói chuyện điện hạt nhân nếu có, là ở thì tương lai", GS.TS Trần Đình Long nói.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-tu-dien-hat-nhan-can-nguon-luc-tai-chinh-manh-169241115212833601.htm
Zalo