Đầu tư dài hạn cho tương lai

HNN - Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn thực hiện việc huy động trẻ em thuộc diện khó khăn trong độ tuổi ra lớp mẫu giáo, ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định 105). Trong đó, Điều 7 Nghị định này quy định, trẻ mầm non thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền ăn trưa được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Trong số các đối tượng hỗ trợ tiền ăn trưa đó có học sinh mẫu giáo của huyện vùng cao A Lưới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Bữa ăn ở Trường Mầm non A Roàng, A Lưới. Ảnh: Châu Lê

Bữa ăn ở Trường Mầm non A Roàng, A Lưới. Ảnh: Châu Lê

Lên A Lưới hôm nay, dễ dàng bắt gặp những trường học mầm non được xây dựng khang trang và hiện đại, đặc biệt rộn ràng và đông vui và ngập tràn tiếng cười vui của con trẻ khỏe mạnh và chăm ngoan. Đó được xem là tác động tích cực từ sự vươn lên của vùng đất và từ nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho A Lưới, trong đó Nghị định 105.

Con số 99,1% trẻ em trong độ tuổi, mục tiêu không dễ phấn đấu của cả những vùng đất ở vùng xuôi, tương đương với 3.535 em có mặt ở các trường mẫu giáo tại A Lưới mà bà Dương Thị Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới hồ hởi khoe với chúng tôi mới đây, là một minh chứng cho thấy tác động tích cực của Nghị định 105.

Rõ ràng, mức hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/trẻ/tháng theo Nghị định 105 tại A Lưới giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non nơi đây đảm bảo được cung cấp trẻ mầm non những bữa ăn trưa đầy đủ, chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe và sự phát triển thể chất, trí tuệ. Mặt khác, là sự hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực chi phí nuôi dạy con.

Tự hào với con số 99,1% các cháu từ 3 đến 5 tuổi được huy động đến các lớp học mẫu giáo, thế nhưng giáo dục A Lưới không khỏi băn khoăn khi chỉ có 43% các cháu trong độ tuổi nhà trẻ đến lớp. Lý giải vấn đề này, bà Phương bắt đầu bằng sự so sánh, trong khi học sinh mẫu giáo nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước 160.000 đồng/trẻ/tháng thì gửi con vào nhà trẻ phải nộp mỗi ngày từ 16.000 đồng đến 18.000 đồng/trẻ

Số tiền chỉ đủ để người lớn uống 1 ly cà phê nhưng lại rất đáng kể với bà con các dân tộc ít người, có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy nên, từ nhiều năm nay, họ đã không chọn cho con đi nhà trẻ mà mang theo con khi đi làm nương, làm rẫy hoặc để ở nhà với ông bà. Theo lời bà Phương, có cho con đến lớp thì nhiều phụ huynh tìm cách “né”. Chẳng hạn, mỗi khi trường hỏi tiền ăn, cấp dưỡng, nhiều phụ huynh cho con em tạm nghỉ vài ngày, hay đóng tiền nửa tháng. Cá biệt có phụ huynh ở A Lưới có con đã hết tuổi nhà trẻ nhưng đến nay vẫn còn nợ tiền ăn bán trú (?).

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 105, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách Nhà nước, kể từ ngày 1/5/2025. Theo Điều 6 Nghị định 66, trẻ em ở nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa 360.000 đồng/tháng (không quá 9 tháng/năm học).

Thiết nghĩ, đối với những vùng cao như A Lưới, đó là cách để thoát khỏi con số... 57% số trẻ còn lại chưa được đến nhà trẻ. Việc bổ sung trẻ độ tuổi nhà trẻ vào diện thụ hưởng với mức hỗ trợ 360.000 đồng/tháng (gấp đôi mức cũ cho trẻ mẫu giáo) đã giúp lấp "khoảng trống" chính sách, đảm bảo trẻ em ở lứa tuổi nhỏ hơn cũng được tiếp cận cơ hội giáo dục sớm, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ở mức độ chiến lược, đây được xem là cách đầu tư dài hạn đầy thiết thực cho tương lai.

An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/dau-tu-dai-han-cho-tuong-lai-153800.html
Zalo