Đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh 'soi đường'
Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa mà còn tạo nguồn lực để phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia cho rằng, quan điểm về đầu tư cho văn hóa cần được quán triệt, thực hiện thường xuyên hơn nữa, với ý thức chính trị và trách nhiệm cao nhất để văn hóa thực sự 'soi đường cho quốc dân đi'.
Thiếu khung pháp lý
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở... Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ".
Tiếp nối tư tưởng của Người, Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế-xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa hiện vẫn thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao, khoảng cách từ quan điểm tới triển khai vẫn còn khá lớn. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng. Sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng gặp khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai không hiệu quả.
Năm 2019, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết, mức chi cho văn hóa mới chỉ dừng ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đưa ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1998).
Thạc sĩ Cao Ngọc Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) cho rằng, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang có nhiều bất cập. Cụ thể, lĩnh vực này chưa đồng bộ từ thể chế đến hạ tầng và nhân lực. Từ nguồn nhân lực - hệ thống nghệ sỹ biểu diễn, đội ngũ sáng tạo và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp còn thiếu và rất yếu.
"Các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Tại Thủ đô Hà Nội, các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới. Còn lại đều đã quá cũ, không đáp ứng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các chương trình ca nhạc lớn cũng như vậy, phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu", Thạc sĩ Cao Ngọc Ánh dẫn chứng.
Đầu tư không ít nhưng chưa hiệu quả
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tình trạng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu gắn với việc phục vụ những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện chính trị quan trọng. Các chương trình đầu tư dài hạn lại không được triển khai một cách đồng bộ. Chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một ví dụ điển hình. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua. Hay các chương trình đầu tư xây dựng công trình văn hóa công cộng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy những bất cập, thể hiện ở việc các công trình ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng của xã hội.
Theo ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện. Việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực chưa hiệu quả.
Dưới góc nhìn của nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng Nhà nước đầu tư cho văn hóa không ít nhưng chưa hiệu quả. "Việc đầu tư thường dàn trải, thiếu tập trung, thiếu đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư chưa thực sự khách quan, thành ra khó xác định được mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư cho văn hóa nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó", nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Nhà nước cần có sự lựa chọn dự án để đầu tư hiệu quả hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung kể câu chuyện khó khăn về cấp phép cũng như những thủ tục hành chính khác đã góp phần khiến Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa mà ông tổ chức năm nay phải tạm dừng sau 10 năm. Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung chia sẻ: "Để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc đầu tư phải có mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác mục tiêu cần đầu tư. Tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ".
"Báo cáo của UNESCO sau khi lấy ý kiến từ các nghệ sĩ, doanh nghiệp của 9 quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra 4 khuyến nghị với các cơ quan quản lý để thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp làm văn hóa sáng tạo:
- Nguồn đầu tư của Chính phủ bằng tài trợ trực tiếp hoặc đặt hàng rất quan trọng nhưng đầu tư phi tài chính như hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho doanh nghiệp lại được cho là quan trọng hơn, quyết định sự sống còn và phát triển của các công ty này.
- Đầu tư quan trọng nhất cho nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa là cung cấp các hạ tầng thiết yếu.
- Khuyến nghị nữa là cần đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, các khung quy định quản lý.
- Các đơn vị từ khu vực công phải có những nghiên cứu về thị trường, phân tích về ngành một cách khách quan, minh bạch và liên tục cập nhật để tư vấn cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp về thực trạng, xu hướng phát triển của ngành".
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội