Đầu tư cho năng lượng sạch toàn cầu cán mốc kỷ lục
Chi tiêu toàn cầu cho công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2 nghìn tỷ USD trong năm nay, bất chấp những khó khăn về tài chính cản trở các dự án mới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, báo cáo mới nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết.
Tổng đầu tư năng lượng trên toàn thế giới năm 2024 dự kiến sẽ vượt 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên, với khoảng 2 nghìn tỷ USD được sử dụng để phát triển các công nghệ sạch, bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu quả và máy bơm nhiệt, báo cáo cho biết. Hơn 1 nghìn tỷ USD còn lại được đầu tư cho than, khí đốt và dầu.
Báo cáo cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để “đảm bảo đầu tư đến được những nơi cần nhất, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, nơi đang rất thiếu hụt nguồn năng lượng giá cả phải chăng, bền vững và an toàn".
Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) cho rằng, chuyển đổi năng lượng là nền tảng để thúc đẩy đầu tư xã hội vì quá trình này thúc đẩy phát triển kinh tế liên kết, môi trường bền vững và công bằng xã hội.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hạn chế về tài chính trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể đóng vai trò quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và tài trợ cho các dự án xanh nói chung của các nền kinh tế đang phát triển.
Thu hẹp khoảng cách chính sách về khí hậu có thể đảm bảo 40% nguồn tài chính tư nhân cần thiết cho đầu tư năng lượng tái tạo tại các nước đang phát triển, giúp khắc phục gánh nặng chi phí tài chính cao.
Các sáng kiến toàn cầu như Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và chiến lược của Liên minh châu Âu về hydro xanh đang mang đến nguồn lực đầu tư cho các quốc gia đang phát triển.
Giải pháp lưới điện siêu nhỏ
Lưới điện siêu nhỏ cung cấp một phần điện cho nhiều bang của Mỹ, tập trung ở Alaska, California, Georgia, Maryland, New York, Oklahoma và Texas. Đầu năm 2023, Mỹ đã lắp đặt 692 lưới điện siêu nhỏ, với tổng công suất gần 4,4 gigawatt.
Lưới điện siêu nhỏ hấp dẫn với nhiều công ty lớn của Mỹ khi họ cam kết hợp tác với chính phủ để chuyển sang nền kinh tế carbon thấp bền vững.
Lưới điện siêu nhỏ có thể trở thành nguồn điện chính cho bệnh viện, trường đại học, khu dân cư, khu công nghiệp hoặc căn cứ quân sự.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng những dự án năng lượng tái tạo phi tập trung, như lưới điện siêu nhỏ năng lượng mặt trời, có thể cung cấp điện cho các vùng nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và thúc đẩy tinh thần kinh doanh tại địa phương.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng thu hút vốn tư nhân và đầu tư từ thiện bằng cách tích hợp với các ưu tiên ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp) toàn cầu. GEAPP đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Rocky Mountain (RMI) và Viện Năng lượng Việt Nam (IE) triển khai dự án thí điểm kết nối lưới điện đầu tiên của Việt Nam. Các dự án trong khuôn khổ như vậy không chỉ góp phần hiện đại hóa lưới điện mà còn tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như sản xuất, lắp đặt, cung ứng và các ngành liên quan khác.
Nhằm thu hút đầu tư cho năng lượng xanh, Việt Nam đã có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong buổi tiếp Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 6/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị mở rộng quy mô hoạt động của ADB tại Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ vốn cho khu vực tư nhân. Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích khối tư nhân vay vốn các đối tác như ADB.
Ông Masatsugu Asakawa cho biết với vai trò "ngân hàng khí hậu của châu Á", ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.