Đầu năm, không để thiếu hụt lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4-2-2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt thị trường lao động, tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất.

Trước đó, dù tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết những năm qua khá cao, song Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn dự báo, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường sẽ có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời. Nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I-2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ…

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động đầu năm là do sau Tết Nguyên đán, người lao động thường có tâm lý muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự do nghỉ việc hoặc nhảy việc những tháng cuối năm. Cùng với sự thiếu hụt lao động đầu năm, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng nguồn cung lao động của chúng ta cũng còn những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 71,4% lao động chưa qua đào tạo có chứng chỉ…

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án về phát triển thị trường lao động; tăng cường thông tin về thị trường lao động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền lương, thưởng đối với người lao động. Các địa phương cần đôn đốc các nhà máy, doanh nghiệp thực hiện tốt việc đón công nhân quay trở lại làm việc, góp phần ổn định thị trường lao động.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm doanh nghiệp dùng cách mà các chuyên gia gọi là “đảo ngói” nhằm thay thế lao động thời vụ. Số lao động bị cho nghỉ việc đầu năm thường là lao động thời vụ, mặc dù có hợp đồng lao động nhưng được ký ngắn hạn dưới dạng thử việc. Đây là cách mà chủ sử dụng lao động lách quy định tại Bộ luật Lao động, nhằm giảm chi phí, đặc biệt là các loại phí bảo hiểm.

Số doanh nghiệp thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết thường là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy cần có những biện pháp mạnh tay với những doanh nghiệp tìm cách “lách luật”, yêu cầu những doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật về lao động nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng người sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế, phí bảo hiểm cũng như các chế độ đãi ngộ khác dành cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc tuyển dụng, ký và thực thi hợp đồng lao động, sử dụng lao động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác.

Các chuyên gia nhận định, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, với cơ hội và thách thức đan xen cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, người lao động cũng cần tự nâng cao kỹ năng, kiến thức và trách nhiệm tuân thủ hợp đồng lao động, đóng góp xây dựng doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào việc xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn để giữ chân người giỏi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dau-nam-khong-de-thieu-hut-lao-dong-692555.html
Zalo