Đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào

Đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện tại gần 80 quốc gia, trong đó đã ghi nhận các ca tử vong tại châu Phi, châu Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, người nhiễm virus đậu mùa khỉ còn có thể bị viêm não, viêm phổi và các tình trạng nguy hiểm khác.

Tính đến ngày 30/7, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, trong đó phần lớn ở châu Âu. Tại Việt Nam, chưa ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ.

Trước đó, ngày 23/7 WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tương tự như Covid-19. Đây cũng là mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố, trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới trong đợt dịch này khi đó đã lên tới hơn 16.500 ca và 5 ca tử vong.

Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm qua, WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, hay còn có tên đầy đủ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng đồng Quốc tế (PHEIC). Lần đầu là đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Đậu mùa khỉ được biết đến là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có thể lây từ động vật sang người và từ người sang người. Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh được phát hiện ở người vào năm 1970.

Lây nhiễm qua đường nước bọt và quan hệ tình dục

Bộ Y tế dẫn thông tin từ WHO cho biết, trong giai đoạn lây bệnh, các nốt ban, dịch cơ thể (dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy của người nhiễm bệnh có nguy cơ làm lây nhiễm virus. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác (dụng cụ ăn/bát đĩa) bị nhiễm virus cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.

Ngoài ra, virus có thể lây qua đường nước bọt và qua quan hệ tình dục. Virus cũng có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc vật lý sớm.

Virus bắt đầu lây lan khi người bệnh khởi phát từ 1- 5 ngày

Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ sẽ từ 6 – 13 ngày (dao động từ 5 – 21 ngày). Trong thời gian này, người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát của bệnh từ 1- 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Trong giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác.

Giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ có sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 – 3 ngày. Trong đó, vị trí phát ban có hướng lý tâm, gặp nhiều trên mặt lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Các vết ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

Kích thước tổn thương da trung bình từ 0,5 - 1cm. Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn phục hồi, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, thời điểm này không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Người bệnh có thể tử vong do đậu mùa khỉ

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, virus có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là những trường hợp có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng mắt (có thể dẫn đến mất thị giác), viêm não và nhiễm khuẩn huyết.

Hạn chế tiếp xúc các đồ vật nhiễm virus

Bộ Y tế dẫn thông tin từ WHO, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật có thể giảm bằng cách tránh tiếp xúc mà không có sử dụng đồ bảo hộ cá nhân với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng).

Ở các nước có bệnh lưu hành, nơi động vật mang bệnh đậu mùa khỉ, cần nấu chín kỹ bất cứ thức ăn nào chứa thịt hoặc bộ phận của động vật trước khi ăn.

Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người bị nghi ngờ hoặc khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc da với da và sử dụng găng tay dùng một lần nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương. Khi xử lý quần áo hoặc gối của người khác, người xử lý cần đeo khẩu trang.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Giặt quần áo, khăn, ga giường và dụng cụ ăn của người nhiễm bệnh bằng nước ấm và bột giặt. Làm sạch và khử khuẩn bất cứ bề mặt nào đã bị nhiễm bẩn và tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn (băng gạc...) một cách phù hợp.

Sử dụng thuốc hạ sốt cho người thể nhẹ

Bộ Y tế cho biết, với các triệu chứng nhẹ, người bệnh sẽ được được điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau; chăm sóc tổn thương mắt, miệng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. Đồng thời cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng (nếu có) như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não… để điều trị ở buồng cách lý tại khoa hồi sức. Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Đối với thể nặng, cần điều trị buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành.

Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định cho 5 trường hợp. Bao gồm, người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não…); người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao…). Đồng thời cho trường hợp là trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi); phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.

Người bệnh đủ tiêu chuẩn xuất viện khi hết các triệu chứng về lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương đã đóng vảy) và cách ly tối thiểu 14 ngày.

Đã có vaccine đậu mùa khỉ

Trên thế giới hiện đã có một số loại vaccine phòng bệnh đậu mùa mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vaccine mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019, để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi.

Ngoài ra còn có ACAM2000. Giống như Jynneos, ACAM2000 là một loại vaccines được phát triển cho bệnh đậu mùa nhưng đã được phép sử dụng kép.

Trước đó, vaccine gốc phòng bệnh đậu mùa hiện không còn được cung cấp cho công chúng do công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980 sau khi bệnh này trở thành bệnh đầu tiên được thanh toán.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dau-mua-khi-nguy-hiem-nhu-the-nao-post9383.html
Zalo