Đậu mùa khỉ liệu có khả năng trở thành đại dịch thứ hai?
Một làn sóng bất thường của các ca bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở nhiều nơi thế giới đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác ngay cả khi COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Liệu căn bệnh này có nguy cơ bùng phát thành đại dịch?
Đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu - mức cảnh báo cao nhất của WHO. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (hay còn gọi là PHEIC) được định nghĩa là “một sự kiện bất thường tạo nên mối nguy hại về sức khỏe cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế và đòi hỏi hành động phối hợp giữa các quốc gia để giải quyết.” Đây là lần thứ bảy mức cảnh báo này được đưa ra kể từ năm 2009. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gần đây nhất được tuyên bố là dành cho Covid-19, sau điểm bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Kể từ tháng 5 vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ đã bắt đầu lây lan nhanh trên khắp thế giới mặc dù trước đó các ca nhiễm chỉ xuất hiện trong 2 khu vực Trung và Tây Phi. Tính đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia. Số ca mắc mới tăng đột biến tại các quốc gia châu Âu trong thời gian gần đây. Châu Á cũng ghi nhận nhiều ca bệnh tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc). Ở Mỹ và châu Âu, các ca lây nhiễm cũng đã xuất hiện.
Theo con số thống kê mới nhất, tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1/3.000.
Liệu có xuất hiện một đại dịch toàn cầu mới?
Mặc dù xem đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, ông Ghebreyesus vẫn khẳng định “có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm". Điều này hoàn toàn khả thi ngay trong thời điểm hiện tại bởi thế giới đã có vắc-xin và phương pháp điều trị chống lại virus đậu mùa khỉ, ngược lại với tình trạng bị động đối với COVID-19 trước đây.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vắc xin đậu mùa hiện đang lưu hành có thể sử dụng để ngăn ngừa căn bệnh đậu mùa khỉ nhờ sự tương đồng giữa hai loại virus. Dữ liệu nghiên cứu trước đây từ châu Phi cho thấy các loại vắc xin có thể có hiệu quả ít nhất 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Khác với virus corona, virus đậu mùa khỉ ít có khả năng đột biến hơn. Điều này cho phép các loại vắc xin duy trì được hiệu tính trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, Tiến sĩ Zhiqiang Shu (Berenberg) cho biết.
Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng ít lây lan hơn so với COVID-19. Theo giả thuyết hiện tại, căn bệnh này chỉ lây nhiễm thông qua quan hệ tình dụng thay vì phát tán qua không khí như COVID-19. Nhờ vậy, phạm vi phòng ngừa được thu hẹp. Đây là một tín hiệu khả quan cho ngành y tế.
“Ngoài ra, hàng rào phòng vệ y tế tại các quốc gia hiện nay có thể làm “một công hai việc”, vừa chống lại COVID-19, vừa chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Việc này sẽ giúp giải quyết tình trạng này nhanh chóng và hiệu quả hơn”, Chuyên gia phân tích dữ liệu của GlobalDât, bà Emily Marty chia sẻ.
Nói tóm lại, ít có khả năng bệnh đậu màu khỉ đưa thế giới vào tình trạng đóng cửa biên giới như COVID-19 đã từng. Các biện pháp đối phó hiện tại cho thấy "khả năng lây lan có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả mà không cần thực hiện các biện pháp hà khắc có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu,” ông Shu cho biết./.