Dấu mốc quan trọng

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên ngày càng tăng, nhiệm vụ của công đoàn càng thêm nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hành lang pháp lý về công đoàn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Luật Công đoàn (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này sẽ là dấu mốc rất quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay.

Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế xã hội đang có nhiều biến động. Việc điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt, việc sửa đổi lần này không chỉ khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành mà còn xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ người lao động trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được xác định là đạo luật khó, vừa bảo đảm để công đoàn thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, vừa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động. Trong thời gian vừa qua, được sự phân công của Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị dự thảo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sáng 26.10. Ảnh: H. Long

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sáng 26.10. Ảnh: H. Long

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đến nay cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 26.11 tới. Quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là nghiêm túc, thận trọng, chất lượng.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.

Kiện toàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, chuyên nghiệp

Những năm qua, công đoàn các cấp đã cố gắng, nỗ lực để phát huy trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn đã bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở và tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp cũng như chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là người lao động khó khăn.

Cùng với đó, hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp đã có nhiều điểm mới và đạt kết quả quan trọng. Hơn 70% tổng số doanh nghiệp có công đoàn cơ sở đã ký thỏa ước lao động tập thể, 5 năm qua, số cuộc ngừng việc tập thể đã giảm hơn 55 % so với giai đoạn trước đó. Chia sẻ bên lề hành lang Kỳ họp thứ Tám, một số đại biểu chia sẻ, tại Khoản 3, Điều 11 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề cập đến quyền khởi kiện của công đoàn thay mặt cho tập thể người lao động và cá nhân người lao động khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Tuy nhiên, Luật Công đoàn (sửa đổi) chỉ là một trong số các đạo luật quy định. Ngoài ra, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng dân sự mới là những văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục khởi kiện. Do vậy, một số đại biểu cho rằng, sau khi Luật Công đoàn được sửa đổi, các luật khác cũng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp và thống nhất với Hiến pháp, vốn đã quy định rất rõ công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên ngày càng tăng, nhiệm vụ của công đoàn càng thêm nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hành lang pháp lý về công đoàn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Nếu như được Quốc hội xem xét thông qua, đây sẽ là dấu mốc rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động công đoàn nhằm tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh, chuyên nghiệp, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động trong tình hình mới.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dau-moc-quan-trong-post397075.html
Zalo