Đâu là mặt trận chính nếu Thế chiến thứ III nổ ra?

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra lo lắng hành động quân sự của Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine. Các phân tích cho thấy những điểm nóng tiềm tàng nếu Moscow tiến xa hơn nữa trên lục địa này.

Bản đồ cho thấy các mặt trận chính ở châu Âu nếu Thế chiến thứ III nổ ra. Nguồn: Newsweek.

Bản đồ cho thấy các mặt trận chính ở châu Âu nếu Thế chiến thứ III nổ ra. Nguồn: Newsweek.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nêu viễn cảnh này khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 rằng tổng thống Nga Putin “thậm chí có thể tấn công một quốc gia NATO” và “chúng ta phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029”. Vào tháng 11, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Đức, Bruno Kahl, cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng Moscow đang “chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với phương Tây”.

Nga đã coi cuộc chiến với Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Moscow và NATO; tuy nhiên, theo Điều 5 của hiến chương NATO, chỉ cần một cuộc tấn công vào một thành viên cũng đủ để gây ra phản ứng tập thể, ngay cả khi các cuộc tấn công hỗn hợp có thể thử thách định nghĩa này.

William Muck, giáo sư khoa học chính trị tại trường Cao đẳng North Central (Hoa Kỳ) cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục theo đuổi mạnh mẽ các lợi ích của mình ở châu Âu, đặc biệt là Đông Âu”. “Nếu có một động lực thúc đẩy Putin trong 25 năm qua, thì đó là sự mở rộng của NATO”, Muck nói. “Ông ấy sẽ tìm cách khai thác bất kỳ vết nứt nào trong liên minh để thúc đẩy ảnh hưởng của Nga trên khắp khu vực”.

Cũng như Berlin, sườn phía đông của NATO và những nước mới gia nhập liên minh là những bên lên tiếng nhiều nhất về mối lo ngại của họ về tham vọng của Nga bên ngoài Ukraine.

Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cho biết “chiến tranh có thể xảy ra với Thụy Điển”. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Thụy Điển, Micael Byden cũng cảnh báo người dân “chuẩn bị tinh thần” cho xung đột.

Một bản đồ do Newsweek công bố cho thấy, sườn đông bắc của NATO, bao gồm biên giới dài 830 dặm của Phần Lan, có thể là một mặt trận nóng bỏng nếu Thế chiến thứ III nổ ra. Quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO vào năm 2023 này đã cáo buộc Moscow kích động cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới của mình.

Trung tướng Jurgen-Joachim von Sandrart, cựu chỉ huy Quân đoàn đa quốc gia Đông Bắc của NATO cho rằng Moscow có “nhiều lựa chọn” để thử nghiệm sự gắn kết của liên minh, bao gồm cả “việc chiếm đất có giới hạn”. “Khi chúng ta nghĩ về các điểm nóng tiềm tàng trong tương lai, các quốc gia Baltic là sự thử nghiệm quan trọng về sức mạnh răn đe của NATO”, Muck nói. “Estonia, Latvia và Lithuania có người Nga đông đảo - sẽ là yếu tố thúc đẩy sự can thiệp của Putin”.

Vào tháng 2, cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia cho biết NATO “có thể phải đối mặt với một đội quân lớn theo kiểu Liên Xô trong thập kỷ tới” nếu Moscow cải cách quân đội. Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Lithuania, các khối bê tông chống tăng được gọi là “răng rồng” đã được lắp đặt bên cạnh vùng đất Kaliningrad của Nga. Điều này được cho là có ý nghĩa chiến lược quan trọng vì đây là tiền tuyến tiềm tàng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Moscow và NATO.

“Răng rồng”, chướng ngại vật chống tăng gần biên giới Latvia với Nga. Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic có chung biên giới với Nga đã bắt đầu củng cố biên giới phía đông của họ. Ảnh: Getty.

“Răng rồng”, chướng ngại vật chống tăng gần biên giới Latvia với Nga. Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic có chung biên giới với Nga đã bắt đầu củng cố biên giới phía đông của họ. Ảnh: Getty.

Hành lang Suwalki, còn được gọi là Khoảng cách Suwalki, có thể là điểm tiếp xúc đầu tiên cho bất kỳ động thái nào của Moscow đối với NATO vì nó ngăn cách vùng đất tách biệt Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic với Belarus. Nơi đây cũng là nơi đồn trú của hàng ngàn quân lính Nga, máy bay chiến đấu tiên tiến, vũ khí hạt nhân và là tuyến đường bộ, đường sắt duy nhất giữa Ba Lan và Trung Âu tới các quốc gia vùng Baltic.

Nhạy cảm với mối đe dọa này, Estonia và Latvia, hai quốc gia có chung đường biên giới với Nga, đã ký một thỏa thuận với Lithuania vào tháng 1 nhằm tăng cường biên giới trên bộ với Nga và Belarus như một phần của Tuyến phòng thủ Baltic.

Trong khi đó, trung tâm Lực lượng đặc nhiệm Baltic tại thành phố cảng Rostock của Đức đã được ra mắt vào tháng trước nhằm tăng cường giám sát Biển Baltic của NATO.

Đường biên giới với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga gần Vistytis, Litva. Vistytis có vị trí chiến lược quan trọng, nơi có thể là điểm bùng phát cho bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Nga và phương Tây. Ảnh: Getty.

Đường biên giới với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga gần Vistytis, Litva. Vistytis có vị trí chiến lược quan trọng, nơi có thể là điểm bùng phát cho bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Nga và phương Tây. Ảnh: Getty.

“Mặc dù các quốc gia giáp biên giới với Nga đã bày tỏ sự lo ngại, nhưng có khả năng Putin vẫn sẽ bị NATO ngăn cản và tập trung chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của mình vào các quốc gia không thuộc NATO nhưng có đông dân Nga, chẳng hạn như Moldova và Ukraine”. Tổng thống Moldova Maia Sandu cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử và nêu mối lo ngại về việc Moscow gây ảnh hưởng đến nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này, trong đó có khu vực ly khai Transnistria.

Ngay sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, chỉ huy người Nga Rustam Minnekaev đã nói vào tháng 4/2022 rằng Moscow muốn thiết lập một hành lang qua miền nam Ukraine đến Transnistria. Điều này đặt ra câu hỏi về việc vùng đất ly khai, nơi có sự hiện diện của quân đội Nga, có thể phù hợp với kế hoạch của Putin như thế nào.

Các khu vực khác của châu Âu cũng có thể dễ bị tổn thương. Mark Montgomery, một cựu đô đốc hải quân Hoa Kỳ, cho biết ảnh hưởng của Nga trong các cuộc xung đột nhỏ hơn ở Georgia và Serbia có thể leo thang hơn nữa. Montgomery cho biết Putin đã “thúc đẩy quan hệ với Serbia, người Bosnia và Cộng hòa Srpska (phần Serbia của Bosnia)” và cũng đã “nghiêng về phía” Gruzia, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang bị chia rẽ bởi các cuộc biểu tình phản đối liên minh Giấc mơ Gruzia cầm quyền, những người muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.

Ba Lan đã bắt đầu xây dựng East Shield, một dự án quy mô lớn nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ trên biên giới của Ba Lan với Nga. Ảnh: Getty.

Ba Lan đã bắt đầu xây dựng East Shield, một dự án quy mô lớn nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ trên biên giới của Ba Lan với Nga. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, sự phức tạp cũng có thể xảy ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, giáp với Cộng hòa Nam Kavkaz, nơi đã xảy ra cuộc chiến tranh ngắn với Nga vào năm 2008. Sự kiện này dẫn đến tuyên bố độc lập của vùng ly khai Abkhazia, nơi đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối luật ủng hộ Moscow.

William Muck cho biết: “Nếu liên minh NATO có thể duy trì sự thống nhất bất chấp mọi nỗ lực của Nga, thì khả năng tổng thống Nga Putin mở rộng chiến tranh ra ngoài Ukraine sẽ giảm đáng kể”.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dau-la-mat-tran-chinh-neu-the-chien-thu-iii-no-ra-233651.htm
Zalo