Dấu hiệu trẻ mắc cúm nặng, bố mẹ cần cho đi viện gấp

Nếu thấy trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, khó thở, li bì... bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.

Hiện nay, thời tiết giao mùa Đông – Xuân là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phát triển, trong đó có cúm mùa. Theo đó, cúm là một bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do virus cúm A hoặc cúm B gây ra và lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh cúm mùa ảnh hưởng đến hệ hô hấp, chủ yếu là mũi và cổ họng. Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, đôi khi dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm mùa (ngay cả những người khỏe mạnh) và các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm, bao gồm: Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên; người mắc một số bệnh mãn tính (hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch…); phụ nữ mang thai; trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Liên quan đến tình hình cúm đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở trẻ em, theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ tháng 10/2024 đến nay, đơn vị này đã khám và điều trị tổng số hơn 1500 ca mắc cúm. Trong đó, số ca có biến chứng và phải điều trị nội trú là hơn 200 ca.

Đặc biệt, thời gian qua, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh Viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận một số ca mắc cúm có biến chứng viêm não. Hiện tại, Khoa cũng đang điều trị cho một ca bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, trẻ mắc cúm có biến chứng viêm não. Sau thời gian điều trị, trẻ đã đáp ứng tốt, bệnh tình đã dần cải thiện và ổn định.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Hà Nội cho biết, một tháng trở lại đây, Bệnh viện tiếp nhận số ca mắc cúm có xu hướng tăng lên theo từng tuần. Tuy nhiên, số liệu này chưa thể hiện sự gia tăng bất thường của cúm so với các năm trước, mà số tăng theo chu kỳ mùa hàng năm.

"Thường các ca cúm sẽ gia tăng đặc biệt vào mùa đông xuân. Khi thời tiết miền Bắc giao mùa, không chỉ gia tăng bệnh cúm mà còn gia tăng các bệnh lý khác về đường hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ", TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga thông tin.

Cũng theo BS Thúy Nga, khi trẻ mắc cúm ở thể nhẹ, hầu hết trẻ có thể hồi phục sau 2-5 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc có bệnh nền thì bệnh cúm có thể chuyển biến nhanh sang các biến chứng nặng: Viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, tổn thương đa cơ quan….

Dấu hiệu cúm tiến triển nặng ở trẻ

Các bác sĩ cho biết, cúm mùa thường xuất hiện đột ngột. Những người mắc cúm mùa có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: Sốt hoặc cảm thấy có dấu hiệu sốt/ớn lạnh. Tuy nhiên có một số người không bị sốt; viêm họng, đau họng, rát họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau đầu; mệt mỏi. Một số người còn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Triệu chứng này thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ em, một số dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm nặng cần đặc biệt lưu ý như: Trẻ sốt liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; trẻ khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; lồng ngưc hoặc sườn kéo căng hoặc rút lõm theo từng hơi thở; đau ngực cả khi bình thường hoặc khi hít thở; đau cơ nghiêm trọng; môi, mặt xanh, tím tái.

Bên cạnh đó, trẻ bị mất nước (da khô, mắt trũng, không có nước tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc…); mệt mỏi, li bì, không có phản ứng khi đánh thức; trẻ ăn kém, nôn trớ nhiều.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, với những trẻ mắc cúm, gia đình cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.

Biện pháp phòng ngừa cúm cho trẻ

- Tiêm phòng cúm là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Nên tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ.

- Tăng đề kháng cho trẻ thông qua dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý…

- Dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

- Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với người bệnh, đeo khẩu trang khi cần thiết.

- Không cho trẻ dùng chung đồ ăn, vật dụng cá nhân với người khác.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dau-hieu-tre-mac-cum-nang-bo-me-can-cho-di-vien-gap-172250208010342754.htm
Zalo