Dấu hiệu hình sự vụ nhóm vệ sĩ chặn đường cho đoàn xe cưới
Hành vi nhóm 'vệ sĩ' Security chặn đường, điều tiết giao thông cho một đoàn xe đám cưới đi qua ở Thanh Hóa đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án về tội "Gây rối trật tự công cộng" để điều tra làm rõ hành vi nhóm nhân viên Công ty vệ sĩ Security tự ý chặn đường điều tiết giao thông để phục vụ cho đoàn xe đám cưới ở Thanh Hóa vào ngày 24/11.
Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi ngăn cản hoạt động tham gia giao thông mà không có chức năng nhiệm vụ là vi phạm pháp luật, cản trở giao thông đường bộ, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Do đó, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Diễn biến vụ việc đến nay, cơ quan điều tra đã tiến hành tạm giữ một số người là nhân viên Công ty vệ sĩ Security và tiến hành khám xét để làm rõ sự việc, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân nơi công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, những người này sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài mức cao nhất có thể tới 7 năm tù.
Người không có chức năng nhiệm vụ trong việc điều hành giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà tự ý có những hành vi ngăn cản người khác tham gia giao thông, gây cản trở giao thông đường bộ đã có dấu hiệu hành vi gây rối trật tự công cộng.
Trường hợp thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội giống như vụ nữ người mẫu Ngọc Trinh hoặc vụ chặn đường để chụp ảnh đám cưới ở Hải Dương xảy ra trong thời gian trước đó, người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều kiện để xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã từng bị kết án mà còn vi phạm hoặc hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.
Việc xác định hành vi có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hay không thì sẽ căn cứ vào thực tiễn, căn cứ vào hậu quả xảy ra và phản ứng của dư luận xã hội, phụ thuộc vào nhận xét đánh giá của chính quyền địa phương và đây là hậu quả có tính chất định tính chứ không định lượng bởi vậy căn cứ vào dư luận xã hội, ý kiến của chính quyền địa phương, ý kiến của nhân dân để cơ quan chức năng xác định hành vi gây rối trật tự công cộng đó có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, đã đến mức xử lý hình sự hay chưa.
Trường hợp hành vi chưa đến mức ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, những người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng này chưa từng bị kết án mà chưa được xóa án tích hoặc chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, những người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Thời gian qua do nhận thức pháp luật hạn chế, ý thức coi thường pháp luật mà những hành vi gây rối trật tự công cộng diễn ra khá phổ biến. Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội và xử lý giáo dục những người vi phạm cần xử lý bằng chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi cản trở giao thông đường bộ, không loại trừ trường hợp sẽ xử lý bằng chế tài hình sự.
Mời độc giả xem thêm video Cô gái nghi "ngáo đá" xông vào trụ sở công an quận gây rối