Dấu hiệu cảnh báo cơn đau ruột thừa

Viêm ruột thừa dễ chẩn đoán nhưng thường để lại các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị sớm trong 24 giờ kể từ khi bắt đầu đau.

 Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp trong các bệnh cấp cứu tiêu hóa. Ảnh: Businessinsider.

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp trong các bệnh cấp cứu tiêu hóa. Ảnh: Businessinsider.

Gần đây, khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đau bụng đến viện khám được chẩn đoán viêm ruột thừa muộn.

Viêm ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc và nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể không qua khỏi.

Viêm ruột thừa thường gặp trong các bệnh cấp cứu tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm ruột thừa dễ chẩn đoán nhưng thường để lại các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị sớm bằng phẫu thuật trong 24 giờ, kể từ khi bắt đầu đau.

Các triệu chứng sớm

Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm ruột thừa.
Chán ăn, buồn nôn hay nôn.
Người mệt mỏi, uể oải.
Sốt: Nhiệt độ có khi không cao chỉ 37,3 độ C-38 độ C
Môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi.
Khám bụng: Ấn đau vùng dưới rốn phải hoặc ngang rốn phải. Đây là vị trí thường gặp nhất của ruột thừa.

Các biến chứng của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến các biến chứng như sau:

- Ruột thừa vỡ: Khi ruột thừa bị vỡ, các vi khuẩn sẽ tràn ra khắp bụng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Phẫu thuật loại bỏ ruột thừa và làm sạch ổ bụng là phương pháp cần thực hiện ngay.

 Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể không qua khỏi. Ảnh: Imavida.

Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể không qua khỏi. Ảnh: Imavida.

- Ổ áp xe trong bụng: Khi ruột thừa để lâu hoặc điều trị không đúng cách vỡ, các cơ quan trong ổ bụng như mạc nối lớn, ruột non... tạo thành ổ mủ khu trú gọi là ổ áp xe. Điều trị đối với trường hợp này là ưu tiên chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm phối hợp điều trị kháng sinh theo phác đồ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hẹn cắt ruột thừa sau 6 tháng.

Việc chẩn đoán viêm ruột thừa phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa có kinh nghiệm sau khi đã thực hiện thăm khám tỉ mỉ và kiểm tra với các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

Mổ nội soi là phương pháp được lựa chọn đầu tiên và được dùng nhiều nhất trong điều trị viêm ruột thừa. Chúng có nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian hồi phục nhanh, ít đau hơn, vết mổ rất nhỏ và không để lại sẹo, đặc biệt tốt cho những người bị béo phì, cao tuổi.

Trong trường hợp ruột thừa bị vỡ và nhiễm trùng bên trong ổ bụng hoặc gây áp xe, không thể thực hiện tốt và an toàn với phẫu thuật nội soi sẽ được chuyển sang mổ mở.

Bệnh viêm ruột thừa có thể gây ra các biến chứng như viêm phúc mạc toàn bộ, áp-xe ruột thừa, vỡ ruột, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Do đó, khi thấy có những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

BSCKI Chu Đức Quang

Khoa Ngoại Tiêu hóa, BVĐK tỉnh Lạng Sơn

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-canh-bao-con-dau-ruot-thua-post1499619.html
Zalo