Đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La, về nội dung này.
Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh? Sơn La đã triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sơn La là một tỉnh miền núi, diện tích lớn, nằm giữa hai lưu vực sông Đà và sông Mã. Các loại tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tương đối đa dạng, trữ lượng lớn, sẵn có, như đá vôi, đất san lấp, đá làm cát nhân tạo, cát lòng sông.
UBND tỉnh Sơn La lập phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023. Theo đó, quy hoạch 162 mỏ khoáng sản làm VLXDTT phục vụ nhu cầu sử dụng của 12 huyện, thành phố. Trong đó, 53 mỏ đá làm VLXDTT, trữ lượng khoảng 27,9 triệu m³; 13 mỏ đá làm cát nghiền, trữ lượng 4,1 triệu m³; 53 mỏ cát tự nhiên, trữ lượng 9,04 triệu m³; 12 mỏ đất sét làm gạch, ngói, trữ lượng 3,7 triệu m³; 31 mỏ đất san lấp, trữ lượng 37,7 triệu m³. Các điểm mỏ khoáng sản VLXDTT cung cấp nguyên vật liệu, phục vụ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 842-KL/TU ngày 17/3/2023 về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kết luận, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản làm VLXDTT đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 tại các nghị quyết của HĐND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá, phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, với khu vực đấu giá đã có kết quả thăm dò, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu xây dựng, trình phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước và tổng vốn đầu tư dự án khai thác khoáng sản; lựa chọn tổ chức điều hành cuộc đấu giá; tổ chức thẩm định hồ sơ tham gia đấu giá; tham mưu trình UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá theo quy định. Đối với khu vực đấu giá chưa có kết quả thăm dò, tham mưu mời, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực đánh giá tài nguyên đưa ra đấu giá. Sau đó, tiếp tục triển khai các bước như trên.
Tại các cuộc đấu giá, cơ quan chức năng phối hợp tổ chức đấu giá, thực hiện thông báo công khai đầy đủ thông tin về tài sản đưa ra đấu giá. Đồng thời, đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá, tại các phiên đấu giá đều có sự tham gia giám sát của đại diện các sở, ngành có liên quan và UBND địa phương nơi có khoáng sản được đấu giá.
Phóng viên: Xin ông cho biết, kết quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hiện trạng cấp phép hoạt động sau đấu giá trong 2 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Sơn La?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 33 mỏ, trong đó, đấu giá thành công 6 mỏ. Trong 7 tháng năm 2024, UBND tỉnh ban hành 20 quyết định công nhận kết quả đấu giá 20 mỏ, gồm: 4 mỏ đá vôi làm VLXD thông thường; 2 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát; 3 mỏ cát sỏi trên sông; 11 mỏ đất san lấp. UBND tỉnh đã cấp 5 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị.
Có thể khẳng định, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tạo được sân chơi bình đẳng các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đặc biệt, việc cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá, giúp cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn những tổ chức, cá nhân có năng lực, công nghệ chế biến sâu, thân thiện với môi trường, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy tiềm năng khoáng sản theo hướng bền vững. Đồng thời, các mỏ trúng đấu giá có giá trị cao hơn so với giá khởi điểm, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo nguồn cung VLXDTT ổn định các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Sơn La còn gặp một số hạn chế do các quy định giữa Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn có những nội dung chưa thống nhất.
Với các dự án được cấp phép khai thác khoáng sản, sau đấu giá, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để cho thuê đất. Do vậy, sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, được cấp giấy phép, việc sử dụng đất thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Song, trước đây, các đơn vị khó hoàn thiện thủ tục thuê đất, do không thỏa thuận được với người sử dụng đất để bố trí bến, bãi tập kết khoáng sản. Từ ngày 1/8/2024, nội dung này được tháo gỡ theo quy định mới của Luật Đất đai 2024.
Phóng viên: Nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024, đấu giá 100% các mỏ đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng tại các huyện, thành phố; đến năm 2025, 12/12 huyện, thành phố có ít nhất 1 mỏ đá làm VLXD thông thường trở lên được cấp phép khai thác, Sở TN&MT tích cực triển khai các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT. Trước mắt, tập trung tại các địa phương đang thiếu VLXDTT, như: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Vân Hồ… Đồng thời, khẩn trương đôn đốc các đơn vị được công nhận trúng đấu giá hoàn thiện các thủ tục liên quan, để cấp phép khai thác, tránh tình trạng khan hiếm VLXD.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý khoáng sản từ giai đoạn quy hoạch đến đấu giá, cấp phép, chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thuê đất, đóng cửa mỏ… Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép; mời gọi các nhà đầu tư có nhu cầu hoạt động khoáng sản làm VLXDTT tham gia đấu giá các mỏ khoáng sản đã có trong quy hoạch.