Nằm sát khu vực Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là dự án cấp đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư với số tiền 2.500 tỷ đồng. Bảo tàng vừa được mở cửa miễn phí đón tiếp người dân tham quan từ ngày 1/11 vừa qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mang thiết kế đơn giản, nhưng hiện đại, thể hiện được dòng chảy lịch sử một cách trực quan, hài hòa với chiếu sáng kiến trúc công trình và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hệ thống thiết bị đa phương tiện kết hợp với hệ thống âm thanh định hướng để khách tham quan có thể tương tác, đem lại trải nghiệm mới mẻ.
Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 74,3 ha, trong đó diện tích sử dụng khoảng 38,66 ha, được thiết kế theo phong cách hiện đại với 4 tầng nổi và một tầng bán âm. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính rộng hơn 64.000 m2 với chiều cao 35,8 m.
Ngay khi bước vào sảnh chính của tòa nhà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian thiết kế theo phong cách hiện đại, thanh lịch, hài hòa với ánh sáng tự nhiên.
Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong khuôn viên bảo tàng đó chính là tháp Chiến thắng với chiều cao 45 m. Đây là con số đại diện cho dấu mốc dân tộc Việt Nam giành độc lập vào năm 1945.
Những đường nét kiến trúc của sảnh chính tòa nhà và tháp Chiến Thắng có sự liên kết và hài hòa với nhau, tạo nên hiệu ứng thị giác đẹp mắt.
Ánh nắng ấm áp buổi xế chiều càng tô điểm cho những nét kiến trúc hiện đại, tối giản của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Được treo trang trọng ở sảnh chính của bảo tàng, chiếc máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 là bảo vật quốc gia. Máy bay treo cao, tạo cảm giác như đang xuất kích bảo vệ bầu trời Tổ quốc gây ấn tượng với du khách.
Phía bên trong bảo tàng là không gian trưng bày được chia thành 6 chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858-1945; Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945-1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954-1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay.
Mô hình hoạt cảnh sinh động với tỷ lệ 1:1, tái hiện lại không gian phố phường Hà Nội trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quả địa cầu và những tấm gương phản chiếu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương đến thế kỷ XX, qua đó khẳng định từ xa xưa, nhân dân Việt Nam đã mong muốn được hòa bình; và đã chấp nhận những khó khăn gian khổ, hy sinh xương máu để đất nước được độc lập, tự do, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ tận dụng những đường nét kiến trúc của bảo tàng để tạo nên những khung hình sống ảo lung linh, thơ mộng.
Khu vực đài phun nước không chỉ tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo cho bảo tàng, mà còn thu hút đông đảo các bạn nhỏ chạy nhảy, vui đùa với các vòi phun nước.
Ngay trước sảnh chính của tòa nhà là khu vực ghế ngồi nghỉ ngơi dành cho khách tham quan cùng không gian xanh của cây cỏ. Đây cũng là vị trí check-in yêu thích của nhiều người.
"Đây là dịp tham quan đặc biệt khi chúng mình được tận mắt chứng kiến những hiện vật lịch sử mà trước đây chúng mình chỉ có thể nhìn trong phim ảnh. Ngoài ra, chúng mình cũng ấn tượng với những nét kiến trúc hiện đại và thanh lịch của bảo tàng, cảm giác rất khác so với các bảo tàng truyền thống trên địa bàn Hà Nội, cứ ngỡ như bước vào trường đại học nào đó ở châu Âu vậy. Dù đã có vài góc ảnh ưng ý, chúng mình vẫn chưa thể check-in hết không gian bảo tàng do khách tham quan tới đông quá", Dương Thị Khánh Linh và Nguyễn Đức Tâm (21 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định.
Việt Hà