Đầu cơ tạm nghỉ vì hết cửa 'lướt sóng', người dân bất ngờ vì dễ mua vàng miếng online

Chênh lệch giá vàng trên thị trường tự do và các ngân hàng được rút ngắn chỉ còn 500.000 đồng/lượng, nhiều người chuyên mua đi bán lại hay 'săn' suất mua vàng đã tuyên bố 'tạm nghỉ' giao dịch, nên những ngày gần đây, nhiều người bất ngờ mua được vàng miếng SJC từ ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đạt được nhiều thành công trong quản lý thị trường vàng. Việc giao 4 ngân hàng thương mại và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng miếng SJC đã giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới từ 17-18 triệu đồng xuống trung bình còn 4-6 triệu đồng/lượng.

Hết cửa "lướt sóng" vàng

Đáng chú ý, khi giá vàng đã ổn định thì việc mua vàng lại trở nên khó khăn khi số lượng vàng của các ngân hàng bán ra hạn chế, mỗi người chỉ được mua 1 lượng và 3 tháng sau mới được đăng ký mua tiếp. Hoặc doanh nghiệp bán vàng giới hạn số lượng khách mua trong ngày.

Ngoài ra, kể từ khi NHNN giới hạn việc bán vàng miếng SJC vào nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty SJC, đã xuất hiện các nhóm "đăng ký hộ slot mua vàng từ ngân hàng" trên mạng xã hội, những người này rao thù lao đăng ký thành công từ 300.000 - 500.000 đồng.

Giá bán vàng miếng SJC tại ngân hàng tăng mạnh nhưng giá bán ra tại thị trường tự do liên tục giảm.

Giá bán vàng miếng SJC tại ngân hàng tăng mạnh nhưng giá bán ra tại thị trường tự do liên tục giảm.

Với thủ tục ngắn gọn, người mua sẽ được lập hộ 1 email, sau đó cung cấp đầy đủ thông tin như: họ tên, ngày sinh, số căn cước công dân và hộ khẩu thường trú cho người đăng ký hộ.

Sau khi có thông báo đăng ký thành công qua email, người mua sẽ tới ngân hàng để kiểm tra thông tin, thanh toán số vàng đã đăng ký mua và nhận được phiếu mua vàng trực tiếp từ ngân hàng.

Đồng thời, trên thị trường tự do, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng nhẫn lại diễn ra tấp nập với mức giá chênh từ 1-5 triệu đồng/lượng, tùy loại và tùy thời điểm so với giá ngân hàng niêm yết.

Chẳng hạn, thời điểm tháng 6, giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do chênh từ 4-5 triệu đồng/lượng so với giá bán tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC; sang đến tháng 7 và 8, mức chênh này giảm còn 1 triệu đồng/lượng. Trong những ngày gần đây, mức chênh lệch được rút ngắn chỉ còn 500.000 đồng/lượng.

Thêm vào đó, gần đây, các ngân hàng cũng thay đổi thời gian giao vàng cho khách hàng. Theo đó, thay vì giao trong ngày như trước, các ngân hàng lại giao sau 2 ngày kể từ ngày người mua đăng ký mua và thanh toán thành công.

Do vậy, rủi ro càng tăng nếu giá vàng biến động mạnh, từ đó cũng làm giảm sức hút của vàng.

Theo nhận định của một số chuyên gia, chính vì giá vàng miếng SJC tại thị trường tự do rớt quá mạnh, nên nhiều người chuyên mua đi bán lại hay "săn" suất mua vàng đã tuyên bố “tạm nghỉ” giao dịch. Những người đi “săn” suất đăng ký mua vàng miếng online theo đó cũng giảm đáng kể.

Hết lực lượng đầu cơ nên những ngày gần đây, nhiều người dân bất ngờ mua được vàng miếng SJC từ ngân hàng. Trên các hội nhóm mua bán vàng, nếu những ngày trước, nhiều người phải trả tiền để mua suất với giá 500.000 - 1 triệu đồng/lượng cho những người đặt mua hộ, thì nay nhiều người tỏ ra ngạc nhiên "sao hệ thống mượt mà quá", đặt mua là thành công ngay.

Có người còn cho biết đã đăng ký thành công nhưng do giá cao nên không đến ngân hàng làm thủ tục mua vàng.

Vấn đề này trước đó cũng được NHNN thừa nhận xảy ra tình trạng người dân đặt thành công mua vàng nhưng không đến lấy.

Cần cho phép nhiều ngân hàng bán vàng hơn

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành, kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, CEO AFA Capital cho biết, thời điểm hiện tại, dựa trên tính toán những tác động từ việc can thiệp của NHNN, AFA Capital đã giảm tỷ trọng của tất cả các nhà đầu tư vào vàng.

Theo các chuyên gia, vàng không phải là sản phẩm thiết yếu, cũng không phải là hàng hóa hạn chế trao đổi, nên việc quản lý quá chặt chẽ như hiện nay là không cần thiết. Đầu tư vàng cũng là quyền lợi hợp pháp của người dân.

“Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu hay phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản, đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Không có quy định nào cấm người dân được mua vàng số lượng lớn, miễn là thực hiện đúng quy định về phòng chống rửa tiền. Việc đưa ra quá nhiều quy định thắt chặt hoạt động mua bán vàng là không hợp lý”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét.

Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, NHNN không nên mãi can thiệp hành chính vào thị trường vàng. Đã đến lúc cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật của nó. Khả năng tình trạng vàng loạn sóng tăng giá như trước đây sẽ không còn nữa. Do đó, NHNN cần xem xét trả lại việc giá vàng cho thị trường quyết định, các nơi có thể bình đẳng với nhau trong mua bán vàng, người dân mua ở đâu cũng được.

Trường hợp NHNN vẫn quyết định tham gia bình ổn, theo ông, nên mở rộng đối tượng bán vàng. Thay vì chỉ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như hiện nay, cần có thêm các ngân hàng khác tham gia bán vàng. Những nhà băng này có thể được mua vàng từ NHNN để bán ra, góp phần đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho nhập vàng nguyên liệu dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp. Có thể cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu hoặc NHNN trực tiếp đứng ra nhập khẩu, sau đó phân phối lại.

Theo ông Phương, nếu không giải quyết vấn đề vàng nguyên liệu thì hoạt động mua bán vàng ở “chợ đen” sẽ vẫn diễn ra, đẩy rủi ro về phía người dân vì chất lượng không được giám sát.

Ngoài những giải pháp trên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các ngân hàng và các doanh nghiệp bán vàng cần minh bạch số lượng mua bán với NHNN. Khi có dữ liệu chuẩn về cung cầu thị trường, cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách quản lý, mua bán và nhập khẩu nguyên liệu phù hợp. Từ đó, cung - cầu vàng trên thị trường được cân bằng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/dau-co-tam-nghi-vi-het-cua-luot-song-nguoi-dan-bat-ngo-vi-de-mua-vang-mieng-online-1101719.html
Zalo