Dấu ấn văn học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh
50 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, đội ngũ những người viết văn trẻ sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp ý nghĩa vào dòng chảy văn học của nước nhà. Trước yêu cầu của giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng văn học trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của người cầm bút mà còn là yêu cầu của độc giả, đồng thời cũng là mục tiêu mà Hội nghề nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật hướng tới.

Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. (Ảnh BTC)
Nguồn lực đa dạng
Trong 50 năm qua, lực lượng viết văn tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục được bồi đắp bởi những gương mặt trẻ triển vọng. Thế hệ đầu tiên của những người viết trẻ tại đây có thể tạm xác định là những người sinh vào những năm 60-70 thế kỷ trước, với đại diện là Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Gia Bảo...
Thế hệ thứ hai có thể kể đến những gương mặt nổi bật như Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thu Phương, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Tiến Đạt, Trương Anh Quốc, Dương Thụy, Đào Phong Lan, Nguyễn Phan Quế Mai... Thế hệ thứ ba có sự góp mặt của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Ngô Thị Hạnh, Anh Khang, Võ Thu Hương, Phương Huyền, Hồ Huy Sơn, Tiểu Quyên, Minh Đan, Ngô Thúy Nga, Văn Thành Lê, Nguyễn Phong Việt, Tường An...Thế hệ thứ tư với Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Huỳnh Trọng Khang, Trần Huy Minh Phương, Hamlet Trương, Nguyễn Đình Minh Khuê, Tống Phước Bảo... Và thế hệ thứ năm với Trần Đức Tín, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Lâm Phương Lam, Vĩ Hạ, Đoàn Nguyễn Anh Minh...
Hiện nay, lực lượng viết văn trẻ có sự tham gia của nhiều cây bút sinh sau năm 2000. Họ thực sự là công dân của kỷ nguyên số, có thể sáng tác song ngữ. Tiêu biểu như Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007) viết trực tiếp bằng tiếng Anh, với hai cuốn sách đã xuất bản là tập truyện “Bức tranh huyền bí” (2021) và tập thơ “Một ngày từ bên trong” (2023). Nhờ tính hội tụ của đô thị trung tâm phương Nam mà văn học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh luôn được bổ sung thường xuyên từ đội ngũ sinh viên các trường đại học và người dân từ các tỉnh miền trung và miền bắc chuyển vào đây sinh sống, làm việc do đó, lực lượng viết trẻ ngày càng hùng hậu về số lượng, đa dạng về phong cách và cá tính sáng tạo.
Hiện nay, với sự tạo điều kiện từ các cấp, ngành, văn học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá. Bên cạnh giải thưởng Tác giả trẻ do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng, giải thưởng Tác giả trẻ thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành thương hiệu, thì Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2022 cũng đã tổ chức giải thưởng Văn học trẻ hằng năm với mục đích khuyến khích “Khởi nghiệp văn chương”, nhằm khơi dậy niềm đam mê văn chương cho sinh viên ở các trường đại học. Hay Trường đại học Cửu Long phối hợp với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi văn chương phương nam dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc. Hiện thành phố cũng đang khởi động giải thưởng Văn học Thiếu nhi. Hằng năm, Hội Nhà văn thành phố đều dành một trại sáng tác văn học cho tác giả trẻ nhằm tìm kiếm, phát hiện những tác phẩm văn học có giá trị để giới thiệu, bình chọn, trao giải thưởng, qua đó muốn “tiếp sức” cho tác giả trẻ tài năng trên hành trình sáng tạo.
Dấu ấn văn chương đô thị
Bằng khả năng sáng tạo, những thế hệ trẻ tiếp nối của Thành phố Hồ Chí Minh đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học từng bước tạo được dấu ấn trong đời sống văn học. Đóng góp của họ là các tác phẩm văn học được viết bằng đau đáu ưu tư của những công dân sống trong lòng đô thị, trong bối cảnh hội nhập diễn ra mạnh mẽ. Tác phẩm của người viết trẻ phản ảnh chân thực đời sống và thân phận của con người trong không gian sống mà dòng xoáy của kinh tế thị trường vừa đem đến nhiều tiện nghi vật chất nhưng cũng ít nhiều làm xoáy lở và cuốn trôi một số giá trị văn hóa, tinh thần. Người viết trẻ hiện nay đã vượt thoát khỏi cách viết mà thế hệ cầm bút trước đây thường viết, theo đó mô-típ tạo dựng câu chuyện theo sự sắp đặt chủ quan và thường tạo ra những nhân vật hoàn hảo một cách khiếm khuyết ít khi thấy ở các sáng tác của tác giả trẻ. Điểm mới dễ nhận ra ở hầu hết các cây bút trẻ là việc chọn cho mình một cách tiếp cận cuộc sống như vốn có, đa dạng, phức tạp, nhiều chiều kích, nhiều cung bậc cảm xúc và luôn vận hành cùng với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống.
Tuy nhiên, không khó để có thể nhận ra, văn học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phát triển mạnh về bề rộng nhưng chưa vững về chiều sâu, thiếu những bứt phá vượt lên chinh phục đỉnh cao. Nhiều tác giả thơ, truyện ngắn nhưng chỉ có lác đác tác giả tiểu thuyết và càng hiếm nhà văn trẻ viết kịch (kịch bản sân khấu là thể loại quan trọng của văn học). Bên cạnh đó lực lượng lý luận phê bình trẻ để có thể đồng hành, tương tác và kích hoạt những tín hiệu thẩm mỹ mới cũng như góp phần định danh những cống hiến cá nhân vẫn còn đang thiếu vắng. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi đời sống xã hội đang đặt ra nhiều đòi hỏi gay gắt về nhu cầu vật chất của từng cá nhân, từng gia đình. Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với công việc mưu sinh, nên văn chương chưa được xem như một nghề để họ dồn mọi tâm huyết sống chết cùng trang viết do đó nhiều dự định, nhiều hoài bão, nhiều ý tưởng vẫn còn chông chênh, rơi rớt. Không ít tác giả trẻ đã đành phải dừng chân trên hành trình nhọc nhằn chữ nghĩa bởi chưa đủ đam mê và tâm huyết để dành hết tâm lực cho văn chương.
Có thể thấy rằng dù ở thời đại kỹ thuật số, tác phẩm sáng tạo của nhà văn, dù độ dày mỏng khác nhau, giá trị và tuổi thọ không giống nhau nhưng đều phải được ấp ủ và nuôi dưỡng bằng cảm xúc của trái tim và cảm xúc của trí tuệ. Vậy nên, điều khó nhất, có lẽ là sự tự thân nỗ lực của từng cá nhân để đủ sức đối diện với thực tế, với nhiều khó khăn nhưng vẫn phải giữ cho trái tim không khô cằn. Và yếu tố cũng hết sức quan trọng là tác giả trẻ phải nỗ lực đổi mới chính mình, góp phần làm sâu sắc hơn giá trị tư tưởng, giá trị văn hóa mà mình được thụ hưởng, kế thừa và tiếp tục làm cho giá trị cốt lõi sâu sắc hơn, nhân văn hơn.
Để văn chương trẻ Thành phố Hồ Chí Minh vận hành từ bề rộng đến đỉnh cao, rất cần có sự trợ lực của nhiều giới, nhiều ngành. Nhìn từ góc độ hội nghề nghiệp, nên có chiến lược đầu tư thỏa đáng cho tác giả trẻ. Tác phẩm văn học cần được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ. Cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ. Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực. Đồng thời, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư cho việc quảng bá văn học ra thế giới, mở đường cho các tác phẩm văn học tiêu biểu, đặc sắc của nhiều thế hệ vươn ra với bạn bè quốc tế, tạo động lực cho người viết trẻ và đồng thời góp phần quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam.