Dấu ấn tín ngưỡng và văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Khmer trong Tết Chôl Chnăm Thmây
Ở Nam Bộ có một lễ hội mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, đó là Lễ hội mừng năm mới, hay còn gọi là Tết năm mới (Tết Chôl Chnăm Thmây). Lễ hội này có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của người Lào, Tết Songkran của người Thái Lan, hay Tết Thingyan của người Myanmar. Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer còn hân hoan tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian rất đặc sắc.

Nghi lễ tắm Phật trong Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Thủy Lê
Nét độc đáo của Tết Chôl Chnăm Thmây
Việt Nam có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer, sinh sống chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, với lịch sử định canh, định cư lâu dài và sống chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Chính vì sinh sống ở vùng nông nghiệp nên đồng bào Khmer Nam Bộ có một hệ thống lễ hội gắn liền với vòng đời cây lúa. Chất nông nghiệp luôn thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bà la môn giáo của bà con, vì vậy, các lễ hội, phong tục tập quán, sinh hoạt lớn của cộng đồng người Khmer luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.
Bắt đầu bước sang tháng 4 chính là khoảnh khắc giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam Bộ. Cỏ cây hoa lá trở lại tốt tươi, thiên nhiên căng tràn nhựa sống. Sự biến đổi của thời tiết, khí hậu rõ rệt qua thời khắc bừng lên sức sống mới của thiên nhiên được người Khmer ví như sự khởi đầu của một năm mới. Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ để đoàn kết cộng đồng, mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên, thể hiện qua nghi thức cầu mưa. Đồng thời cũng là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên.
Hòa thượng Thạch Suông, Sư cả chùa Kom Pong Ni Krốt Kom Pong Chrây, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, người Khmer do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, họ tính đầu năm bằng hai cách: “Chôl” được tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ; “Chnăm” được tính theo chuyển động của mặt trời. “Chôl” được tính vào tháng 4 dương lịch, còn “Chnăm” thì thay đổi theo trăng tròn hay khuyết. Do đó, ngày xưa, người dân Khmer thường tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây vào tháng 4 dương lịch hằng năm và được kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn gói gọn trong 3 ngày. Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16/4.
Nét độc đáo của Tết Chôl Chnăm Thmây của bà con dân tộc Khmer chính là cách đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà người ta quen gọi là thời khắc giao thừa. Trong quan niệm của người Khmer, thời khắc giao thừa không phải là lúc 0 giờ 0 phút như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán của người Kinh, mà căn cứ vào các A cha (là người từng tu hành, có địa vị cao trong xã hội và luôn được người dân Khmer kính trọng). Trước đó vài ngày, các A cha trong các ngôi chùa sẽ làm lễ và thông báo cho người dân về thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ diễn ra vào lúc nào để bà con tổ chức cùng nhau.
Hoạt động quan trọng nhất của ngày đầu năm mới đối với người Khmer là Lễ rước đại lịch (Maha Sangkran). Lễ rước đại lịch của người Khmer có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên đán của người Việt và nhiều dân tộc khác, nhằm tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới. Lễ rước diễn ra vào giờ tốt đã được chọn sẵn, bất kể sáng hay chiều.

Dàn nhạc ngũ âm không thể thiếu trong Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Thủy Lê
Nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi
Cũng giống như Tết cổ truyền của người Việt, vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, người dân Khmer trên khắp các phum, sóc đều rộn ràng, hào hứng chăm lo cho ngày Tết. Mọi người chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ, thơm tho nhất, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Nhà cửa được sửa sang, quét dọn, trang trí gọn gàng. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết. Mọi công việc thường ngày đều dừng lại, người lao động chốn thành thị trở về quê hương, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do. Trong 3 ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer cũng hân hoan tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian.
Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer tham gia nhiều nghi thức tôn giáo tín ngưỡng truyền thống như: lễ bái Tam bảo, tụng kinh cầu an, thuyết pháp, đón mừng chư thiên, đặt bát hội, đắp núi cát, tắm Phật, tắm tăng... với sở nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, cầu phúc cho bản thân và các thành viên trong gia đình; cầu siêu hồi hướng phước báo đến vong linh những người quá cố và thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ...
Cũng trong dịp này, bà con Khmer ở các phum, sóc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi với các tiết mục đặc sắc như: hát múa rô băm, hát dù kê, múa trống Sadăm, múa Chhay dăm, Chòm riêng chà pây, tổ chức trình diễn nhạc cụ, trang phục dân tộc Khmer truyền thống... Bên cạnh các tiết mục nghệ thuật, bà con Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng quà tri ân các vị sư, nghệ nhân, nghệ sĩ có đóng góp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; trao học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng sinh viên Khmer tiêu biểu...
Chúng tôi đến chùa Kom Pong Ni Krốt Kom Pong Chrây đúng vào ngày thứ hai của Tết Chôl Chnăm Thmây, bất chấp nắng nóng giữa trưa, hầu hết các gia đình Khmer trong khu vực đều đến chùa để tham gia các trò chơi dân gian. Năm nay, ai cũng phấn khởi vì đời sống của bà con đã được cải thiện hơn nhiều so với trước. Các trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố... là những hoạt động được bà con Khmer yêu thích nhất. Ai nấy đều hào hứng tham gia. Bên cạnh ý nghĩa vui chơi đón Tết, đây còn là các hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện để bà con giao lưu, học hỏi, tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước không chỉ tạo điều kiện, chăm lo cho bà con vùng dân tộc thiểu số về đời sống vật chất, mà còn cả về tinh thần. Đây chính là động lực để bà con Khmer các tỉnh Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vươn mình phát triển hơn nữa, bộ mặt phum, sóc ngày càng khang trang, đời sống nhân dân, trong đó có bà con Khmer ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu mạnh.