Dấu ấn Thành Nam

Thành Nam - tên gọi xưa của TP. Nam Định - không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm, truyền thống hào hùng ấy chính là nguồn động lực để TP. Nam Định phát triển kinh tế - xã hội, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh của dân tộc.

Mảnh đất gắn liền với những trang sử hào hùng

Mảnh đất Thành Nam với hơn 760 năm hình thành và phát triển, một trong những cái nôi của nền văn minh Đại Việt, là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần lừng lẫy hào khí Đông A oai hùng, có vị thế hết sức đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, mùa xuân năm 1262, sau 37 năm trị vì đất nước, Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã ban chiếu thăng hương Tức Mặc, quê hương và nơi phát tích, dấy nghiệp của nhà Trần thành Phủ Thiên Trường trực thuộc triều đình Trung ương, xây dựng Thiên Trường thành trung tâm quyền lực, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, được coi như kinh đô thứ hai sau Thăng Long của nước Đại Việt.

Một góc TP. Nam Định thời Nguyễn. Ảnh: TL

Một góc TP. Nam Định thời Nguyễn. Ảnh: TL

Từ thế kỷ XV, trải qua các triều đại nhà Mạc, Lê, Nguyễn, Phủ Thiên Trường được coi là vùng đất xung yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc khai hoang, lấn biển, mở mang bờ cõi đất nước.

Sang thế kỷ XIX, từ quân doanh Vị Hoàng sang triều Nguyễn vào năm Gia Long thứ 3 (năm 1804) đã cho đắp thành đất, đến năm Minh Mạng (năm 1833) thì xây thành bằng gạch. Cùng với Hà Nội, Huế, Nam Định là một trong ba đô thị được xây Cột Cờ (năm 1843).

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã đưa Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói riêng và toàn xứ Đông Dương nói chung. Trên cơ sở đó, năm 1921, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định thành lập TP. Nam Định. Nghị định này cũng chính là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp lớn, đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu phố. Diện mạo đô thị Thành Nam đã có nhiều đổi thay với sự kết nối hài hòa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây.

Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng bộ, nhân dân TP. Nam Định đã viết tiếp những trang sử vẻ vang về truyền thống chống ngoại xâm và lao động cần cù, sáng tạo. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Thành phố cùng lực lượng vũ trang đã đoàn kết giương cao ngọn cờ cách mạng, anh dũng đứng lên tiến công tiêu diệt địch, xóa bỏ bộ máy tay sai; bảo vệ nhân dân và các cơ sở kinh tế, văn hóa...

Ngày 01/7/1954, Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu một mốc son lịch sử của Đảng bộ, quân và dân TP. Nam Định trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Thành Cổ Nam Định thời Pháp thuộc. Ảnh: TL

Thành Cổ Nam Định thời Pháp thuộc. Ảnh: TL

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thành Nam - trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, nơi có các nhà máy trọng điểm của tỉnh và của miền Bắc - là một trong những địa bàn bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Với tinh thần vừa chiến đấu, vừa sản xuất, mỗi người dân Nam Định vững tay súng, tay búa, làm việc bằng hai, đảm bảo là hậu phương vững chắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam với phương châm: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Trong cuộc kháng chiến đó, gần 20.000 người dân Thành Nam đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Lực lượng vũ trang và nhân dân Thành phố đã bắn rơi 54 máy bay; chi viện hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm; hàng chục triệu mét vải ủng hộ đồng bào, chiến sĩ trên các chiến trường miền Nam ruột thịt, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến.

Ghi nhận những thành tích trong sản xuất và chiến đấu, năm 1978, TP. Nam Định vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; hơn 24.000 người được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trải qua bao thăng trầm, TP. Nam Định vẫn lưu giữ trong mình những dấu ấn đậm nét, từ những công trình kiến trúc cổ kính, những làng nghề truyền thống lâu đời đến tinh thần hiếu học đặc trưng. Đặc biệt, mặc dù bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh nhưng Đảng bộ Thành phố luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên tiến hành công cuộc đổi mới, kiến thiết xây dựng quê hương. Đến nay, trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh, TP. Nam Định luôn được xác định là trung tâm chính trị - kinh tế - khoa học và công nghệ của tỉnh Nam Định.

Phát huy truyền thống văn hiến, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Với bề dày truyền thống và những giá trị văn hóa đặc sắc, trong bước chuyển mình mạnh mẽ của kỷ nguyên 4.0, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nam Định đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng TP. Nam Định văn minh, hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh.

TP. Nam Định ngày càng văn minh, hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: TL

TP. Nam Định ngày càng văn minh, hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: TL

Nhằm tạo ra những đột phá mang tính chiến lược, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Nam Định đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Nâng cao năng lực quản lý đô thị, trọng tâm là trật tự xây dựng đô thị, kỷ cương và văn minh đô thị TP. Nam Định, giai đoạn 2021-2025”.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng bộ, sự đồng lòng của các cấp, các ngành, nhân dân trong Thành phố, TP. Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng phát triển đô thị văn minh.

Nổi bật là năm 2024, TP. Nam Ðịnh đã hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nhiệm kỳ; thu ngân sách của Thành phố đạt hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế ước đạt 2.726 tỷ đồng, đạt 148% dự toán tỉnh, thành phố và bằng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,02%; thương mại, dịch vụ được đầu tư phát triển, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 9,77% so với năm trước.

Bên cạnh đó, Thành phố đã hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung TP. Nam Ðịnh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho Thành phố. Hiện TP. Nam Định đang dần hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh; Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc, hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp; Vùng phát triển đô thị về phía Nam và Đông Nam Thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp.

Mục tiêu năm 2025 của TP. Nam Định là xây dựng, phát triển Thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, đưa nền kinh tế Thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Nam Ðịnh Nguyễn Tiến Dũng, ngay từ những ngày đầu năm, Thành phố tiếp tục khẳng định quyết tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Ðảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 02/2025, thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đạt 1.251,07 tỷ đồng, đạt 40% dự toán tỉnh, thành phố giao và bằng 398% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ kinh tế trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 47% dự toán tỉnh, bằng 480% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thực hiện thu từ kinh tế trên địa bàn 140,435 tỷ đồng, đạt 25% dự toán tỉnh, thành phố và bằng 141% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, Thành phố tập trung chỉ đạo tiếp tục giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển… Để giữa dòng chảy của lịch sử, những dấu ấn của mảnh đất Thành Nam không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để các thế hệ hôm nay giữ gìn, phát huy và viết tiếp những trang sử mới cho quê hương./.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dau-an-thanh-nam-39240.html
Zalo