Dấu ấn phong cách Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử

Bảo vật quốc gia cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại - bản Di chúc là một văn bản rất đặc biệt, là mẫu mực cho phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Như cách Người viết, Di chúc chỉ là 'mấy lời để lại', 'tóm tắt vài việc' nhưng sự đơn giản ấy lại chứa đựng những điều lớn lao, vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất - 'Một con người biết nói lên những lời cần nói vào mỗi giai đoạn lịch sử, để động viên nghị lực, tập hợp lực lượng... Những lời nói giản dị, đúng mức, không văn hoa nhưng khắc sâu vào trái tim, khối óc của từng người...'(1).

1. Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh không phải chỉ là kết quả của việc sử dụng thành thạo các hình thức ngôn ngữ. Trước hết đó là sự phản ánh một trí tuệ mẫn tiệp, một vốn văn hóa phong phú, một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng khoa học, biện chứng, một đạo đức cao cả, nhân văn, một quan điểm sâu sắc và toàn diện về ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ. Hồ Chí Minh đã sống ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, đã tự học và sử dụng nhiều thứ tiếng nước ngoài để hoạt động cách mạng. Dưới tác động của nhiều yếu tố phức tạp của hoàn cảnh, con người Việt Nam đó đã “lớn lên” trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình và hấp thụ tinh hoa của nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Đối với Hồ Chí Minh, nói và viết không đơn thuần là một hành động thông tin mà còn là quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Chính vì vậy, Người luôn chú trọng cách nói và viết, coi đó là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Học viết, học nói là một trong những điều mà Hồ Chí Minh mong muốn các cán bộ cách mạng phải thường xuyên học tập, rèn luyện. Học viết, học nói không chỉ nhằm “viết hay, nói giỏi”, mà phải xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích để tìm cách nói, cách viết cho phù hợp nhất, đạt được mục đích đề ra, để cho dễ hiểu, dễ nhớ.

Hồ Chí Minh yêu cầu, mỗi bài nói, bài viết phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Sự thiếu chân thực, giả dối trong nói và viết không chỉ làm quần chúng giảm lòng tin mà còn làm cho Đảng không thấy đúng tình hình, rõ người, rõ việc, để xác định những chủ trương đúng đắn, những giải pháp phù hợp hoặc sửa chữa kịp thời khi có sai lầm.

Theo đó, Người luôn rất kỹ lưỡng trong công việc cũng như trong quá trình chuẩn bị bài nói, bài viết của mình. Với Người: “Cách viết thế nào? Trước hết cần phải tránh cái lối viết "rau muống" nghĩa là lằng nhằng (…) Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại”(2). Có như vậy thì báo chí “không chỉ thể hiện tính tiên phong” mà còn “góp phần định hướng” cho sự phát triển của cách mạng.

2. Là Di chúc của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, thì ngoài việc thể hiện những tình cảm đối với toàn Đảng, toàn dân tộc, Hồ Chí Minh còn gửi gắm, truyền đạt những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi. Như vậy, Di chúc của Người đã vượt ra ngoài khuôn khổ của “lời dặn lại trước lúc lâm chung” như cách hiểu thông thường.

Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đúng vào 9 giờ và chọn đúng những ngày tháng 5 từ 1965 đến năm 1969, nhân dịp ngày sinh của mình, khi sức khỏe còn tốt và trí tuệ minh mẫn để viết. Viết trong khoảng thời gian 4 năm nhưng về tổng thể bản Di chúc vẫn là một văn bản nhất quán, mạch lạc và có bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.

Ngay phần mở đầu của Di chúc là đoạn mà Bác Hồ viết và sửa lại nhiều nhất, chủ yếu là để “cập nhật” cho phù hợp với diễn biến thời gian. Linh cảm đến ngày “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” ngay khi chuẩn bị mừng thọ 75 tuổi (1965), cho nên Bác đã chọn một cách “vào đề” phù hợp nhất để nói về cái lẽ tự nhiên của đời người. Ở bản Di chúc năm 1965, bằng việc dẫn thơ của Đỗ Phủ, Người muốn nhấn mạnh: thọ tới 79 tuổi (như Bác) thuộc diện “hiếm” đối với mọi người. Bác đã vượt “ngưỡng” của tuổi thọ (mốc 70 tuổi); bản thân Bác tuy tuổi cao những vẫn sáng suốt, minh mẫn (Đó là điều thật quý giá); Nhưng dù sao thì việc “ra đi bất thường” là rất có thể xảy ra; vì vậy, việc viết “mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” là cần thiết… Một đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm lay động lòng người. Ở phía trên, bên trái lề của bản viết, Bác ghi thêm hàng chữ: "Tuyệt đối bí mật". Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người "sắp đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.

Nước nhà chưa được thống nhất, Bắc, Nam còn bị chia cắt luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác cho đến tận khi Người đi xa. Cho nên dễ hiểu vì sao ngay từ lời đầu tiên của bản Di chúc, Người đã nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc và khẳng định một niềm tin như chân lý: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Câu “Đó là một điều chắc chắn” được xuống dòng, đặt riêng một đoạn tạo nên một ấn tượng cảm nhận và giá trị khẳng định cao hơn hẳn. Hồ Chí Minh muốn truyền một sự tin tưởng tuyệt đối cho nhân dân. Vẫn với niềm tin tất thắng, ở phần tiếp theo của bản Di chúc viết năm 1965, Người có một lối diễn đạt điển hình, súc tích: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(3). Vượt lên những câu chữ thuần túy là niềm tin, khát vọng cháy bỏng, tình cảm thiêng liêng và chí hướng phấn đấu của toàn dân tộc. Bốn từ “nhất định” được lặp lại nhưng không thừa và không thể bỏ đi một từ nào cả; mỗi từ có vai trò, vị trí riêng; từ “phải” và từ “sẽ” được Người dùng hết sức “đắt giá”, chỉ thì tương lai của hai đối tượng nhưng đều hướng tới một kết quả duy nhất: Chiến thắng cuối cùng thuộc về nhân dân ta. Ta như thấy lại âm hưởng của Bản Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (17/7/1966) - những lời hịch thiêng liêng, hiệu triệu tinh thần dân tộc, thôi thúc lên đường hành động, lan tỏa và gắn kết hàng triệu trái tim thành một nhịp đập, vững bước trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

3. Di chúc là một văn bản chứa đựng những lời tâm sự cá nhân, những nguyện vọng và mong muốn của một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, một người Cha già dân tộc đối với những vấn đề lớn của đất nước trước khi vĩnh biệt cuộc đời: Chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân... Đó đều là những vấn đề “quốc gia đại sự”, song Hồ Chí Minh lại dùng lối viết rất bình dị, thoải mái, tự tin, hơn thế có chỗ còn dí dỏm; ngôn từ luôn tuân theo nguyên tắc: chính xác, giản dị, giàu ý nghĩa, có từ trong dân, nói để dân hiểu, dân mến, dân tin.

Có lẽ, điều mà Người quan tâm nhiều nhất, suy nghĩ nhiều nhất chính là vấn đề xây dựng Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người viết: "Trước hết nói về Đảng". Nhìn chữ viết bằng mực đỏ trong bút tích của Bác, lòng chúng ta dâng lên niềm xúc động lớn lao. Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cả đời chăm lo cho sự lớn mạnh của Đảng. Vì Bác biết: sự lớn mạnh của Đảng cũng chính là sự lớn mạnh của cách mạng, của dân tộc. Ở phần nói về Đảng, ta thấy nhiều đoạn được lặp có chú ý: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây thực sự là những áng văn thể hiện tư tưởng, cốt cách Hồ Chí Minh. Cách lặp tạo nên nhịp điệu hùng hồn, làm cho sức lan tỏa của văn bản rộng hơn, người đọc dễ nhập tâm và hiệu ứng ngữ nghĩa cũng cao hơn. Cũng ở đoạn này, năm 1966 Bác ghi thêm liền sau đó một câu: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình và phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao...(4).

Trong Di chúc, mỗi chữ, mỗi từ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra là kết quả của sự nung nấu, suy tính, so sánh, chắt lọc, chưng cất, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, sự giàu có, phong phú của tâm hồn, nhân cách, chiều cao của trí tuệ Hồ Chí Minh. Có ngày, suốt một tiếng đồng hồ, Bác chỉ thay đổi một chữ. Có ngày Bác làm việc rất tập trung nhưng cuối cùng vẫn không bớt hoặc thêm một chữ nào. Như ngày 18/5/1969, Bác chữa hai chữ và thêm hai chữ, đứng về mặt ngữ pháp, có thể nói là một sự mẫu mực, đó là câu: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ". Bác gạch chữ "thăm hỏi" và thay vào chữ "chúc mừng". Đến ngày thắng lợi hoàn toàn thì đi "chúc mừng" là chính xác nhất. Nhưng ở câu tiếp theo: "Thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng" chữ "thăm hỏi" ở đây là đúng chỗ. Không chỉ chính xác về mặt ý nghĩa, mà nếu không thay chữ "chúc mừng" vào chữ "thăm hỏi" thì sẽ xảy ra trường hợp trùng lắp hai chữ "thăm hỏi" trong cùng một câu. Sau câu: "... để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ". Bác thêm chữ "anh hùng". Do đó mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng một câu văn vừa khoáng đạt, vừa thân tình trong Di chúc của Bác: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta..."(5).

Như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau”(6).

Du khách nước ngoài tham quan triển lãm cấp quốc gia “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị và sức sống trường tồn” nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).

Du khách nước ngoài tham quan triển lãm cấp quốc gia “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị và sức sống trường tồn” nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).

Đã 55 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta về với “thế giới người hiền”, song di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao hàm chứa trong từng trước tác của Người vẫn luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước và giành thắng lợi trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với những cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ tuyên giáo hay đang làm công tác tuyên truyền nói riêng, tìm hiểu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản Di chúc lịch sử sẽ giúp cho chúng ta nâng cao trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân như Bác Hồ mong muốn./.

Ths. Vũ Kim Yến

_____________

(1) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H.1971, t.III, tr.89.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.8, tr.208.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611.

(4) (5) Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2005.

(6) Báo Nhân Dân, ngày 17/5/2006.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/dau-an-phong-cach-ho-chi-minh-trong-ban-di-chuc-lich-su-156173
Zalo