Dấu ấn nông nghiệp hữu cơ
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, những năm qua, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như gạo hữu cơ, cà phê, hồ tiêu... Với phương pháp canh tác bền vững, loại bỏ hóa chất độc hại, nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại sản phẩm an toàn mà còn góp phần tái tạo đất đai, gìn giữ hệ sinh thái cho tương lai.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại Hợp tác xã Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A
Giảm “nhọc nhằn”, tăng thu nhập cho nông dân
Bắt đầu “khởi nghiệp” trồng lúa hữu cơ từ năm 2018, đến nay anh Nguyễn Văn Tuần ở thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đã có trong tay một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Anh Tuần cho biết, năm 2018, anh đã mạnh dạn đăng ký với Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để liên kết sản xuất lúa hữu cơ.
Sau 2 vụ lúa liên tiếp trồng lúa an toàn để cải tạo, giải độc, bổ sung dinh dưỡng cho đất, đến năm 2019, anh Tuần chính thức đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 0,5 ha. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, đến nay anh đã có trong tay 10 ha ruộng lúa hữu cơ sản xuất giống lúa chất lượng cao ST25. Với 2 vụ sản xuất mỗi năm, anh thu được khoảng 110 tấn lúa hữu cơ, với giá bán 13.000 đồng/kg, trừ chi phí anh “bỏ túi” hơn 400 triệu đồng. Có thu nhập cao từ trồng lúa anh đã sắm được xe ô tô, máy cày, máy gặt lúa, thiết bị bay không người lái để làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật cho người dân tại địa phương.
Theo anh Tuần, từ khi bắt tay vào sản xuất lúa hữu cơ anh mới cảm thấy làm nông nghiệp chưa bao giờ “nhàn” đến thế. Anh chỉ cần cày ruộng, làm phẳng mặt ruộng, còn lại các công đoạn như cấy lúa, bón phân, phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... đều được thực hiện bằng máy và do Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đảm nhận. Rơm rạ thải ra sau khi thu hoạch lúa cũng được doanh nghiệp thu mua toàn bộ ngay tại ruộng.
“Tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa hữu cơ đều được cơ giới hóa. Kể cả lúa thu hoạch xong thay vì phải đưa về nhà phơi thì được doanh nghiệp thu mua lúa tươi ngay tại ruộng nên nông dân gần như không còn cảnh chân lấm tay bùn như canh tác lúa theo phương thức truyền thống. Giá bán cũng được cam kết ngay từ đầu vụ nên không còn phải lo tình trạng “được mùa, mất giá” như trước đây nữa”, anh Tuần chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết, qua khảo sát của công ty, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha đủ điều kiện sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, công ty đã liên kết với khoảng 700 nông dân để sản xuất lúa an toàn, lúa VietGAP, lúa hữu cơ trên diện tích hơn 410 ha. Tổng sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 24.000 tấn lúa tươi. Gạo an toàn, gạo VietGap, gạo hữu cơ mang thương hiệu Sepon của công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.
Theo ông Hiếu, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong trồng lúa hữu cơ đã giúp tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình.
Nhờ đó, nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật và hạ tầng giao thông thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc sử dụng máy cấy lúa, thiết bị bay không người lái để phun thuốc, máy gặt lúa, máy cuốn rơm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng hệ thống sấy, xay xát, bảo quản hiện đại, công nghệ cao.

Thu hoạch lúa hữu cơ tại huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A
Cũng theo ông Hiếu, trồng lúa hữu cơ theo quy trình của công ty nông dân rất thuận lợi. Theo đó, công ty cung cấp giống lúa ST25, các loại vật tư, chế phẩm sinh học, hỗ trợ nông dân từ lúc gieo mạ, cấy lúa đến lúc thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Cây lúa được bón bằng phân bón hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, chủ yếu là phân gà được lấy từ các gia trại và ủ với vi sinh vật bản địa theo quy trình kỹ thuật của công ty.
Bổ sung thêm đạm cá được ủ từ cá tươi với đường; canxi, kali bằng xương heo, bò, vỏ trứng đốt cháy rồi ngâm với giấm; nguồn khoáng cho đất được sản xuất từ thân cây chuối ướp đường vàng. Ngoài ra cây lúa còn được phun hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi. Đây là chế phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là các loại axit amin, cung cấp dưỡng chất cho cây lúa. Lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng, giúp hạt chắc mẩy.
Ngoài ra những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá thì trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa. Đặc biệt, để phòng trừ sâu bệnh, công ty đã sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, bằng những nguyên liệu dân gian như ớt tỏi, gừng, thuốc lá giã nhỏ, ngâm với bia. Qua đó, giúp nông dân không phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, hạt lúa chắc, mẩy. Bón phân hữu cơ còn tạo hệ sinh vật tự nhiên nên đất trồng lúa ngày càng tơi xốp.
Nông nghiệp sạch trong tương lai
Nếu như năm 2017, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 250 ha thì đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 1.300 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt: kinh tế-xã hội-môi trường. Cụ thể, đối sản xuất lúa, năng suất lúa tươi đạt trên 65 tạ/ha và được doanh nghiệp thu mua lúa tươi ngay tại ruộng hoặc lúa khô với giá thỏa thuận từ đầu vụ.
Sau khi trừ chi phí nông dân có lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn canh tác thông thường từ 7-10 triệu đồng/ha. Đối với sản xuất hồ tiêu, giá bán tiêu hữu cơ cao hơn thị trường từ 10.000-12.000 đồng/kg, kết hợp với chi phí đầu tư thấp nên nông dân có lãi cao hơn sản xuất thông thường từ 10-15 triệu đồng/ha. Tương tự, với sản xuất cà phê hữu cơ, giá thu mua cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg, giúp người trồng cà phê có lợi nhuận từ 48-50 triệu đồng, cao hơn sản xuất truyền thống từ 15-20 triệu đồng/ha.
Đối với cây ăn quả, những năm gần đây các địa phương như Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong đã đẩy mạnh phát triển cây cam theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ... và đã mang lại hiệu quả cao, thu nhập bình quân từ 500-600 triệu đồng/ha. Đặc biệt, thông qua chuỗi liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá, là sản phẩm hữu cơ, an toàn cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, bền vững môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ vẫn còn chậm, đặc biệt là đối với cây lúa vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, đến năm 2025 có 1.000 ha lúa sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để khuyến khích đẩy nhanh chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, thời gian thu hồi vốn dài nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 55/KH-UBND ngày 7/3/2025 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 3.000 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có trên 2.000 ha lúa sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt ít nhất 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất của tỉnh.
Theo bà Phương, để thực hiện mục tiêu trên, cùng với đa dạng các hình thức tuyên tuyền, chuyển giao kết quả, thành tựu của các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc quy hoạch, lựa chọn các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp để khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng, miền gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, sơ chế, chế biến đồng bộ; từng bước hình thành các cánh đồng lớn phục vụ sản xuất hữu cơ cũng như tạo điều kiện để mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất như: giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Tích hợp công nghệ AI và IoT vào canh tác hữu cơ nhằm tối ưu hóa sản xuất, giám sát môi trường và cảnh báo thiên tai. Hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm.
Có thể nói, phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ là hướng đi bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm an toàn, chất lượng mà còn góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân, bảo vệ môi trường và tái tạo tài nguyên đất. Những thành tựu từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả đã minh chứng cho tiềm năng to lớn của nông nghiệp hữu cơ.
Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân, có thể khẳng định nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ trở thành dấu ấn nổi bật, khẳng định vị thế của Quảng Trị trên bản đồ nông nghiệp sạch, bền vững của cả nước.