Dấu ấn những công trình nổi bật năm 2024 của Hà Nội

Hà Nội bước qua năm 2024 với nhiều công trình mới mang theo khát vọng phát triển, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông, môi trường đô thị và công nghiệp văn hóa, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao cho trẻ em Thủ đô và cả nước. Công trình là minh chứng cho sự đầu tư của Thành phố vào thế hệ tương lai. Khởi công từ tháng 11/2021, sau hơn 2 năm, công trình đã hoàn tất đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Với diện tích gần 40.000m², Cung thiếu nhi Hà Nội bao gồm nhiều phòng chức năng, khu vực sân chơi ngoài trời, thư viện, nhà hát, nhà thi đấu... cùng các trang thiết bị được đầu tư theo quy chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập giải trí đa dạng.

Tuyến đường sắt đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội sau nhiều năm xây dựng và không ít lần lỡ hẹn đã chính thức đi vào vận hành vào tháng 8/2024. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai sau tuyến Cát Linh - Hà Đông, đánh dấu một bước tiến mới trong sự phát triển hạ tầng giao thông công cộng của Thủ đô. Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; trong đó 8,5 km đi trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy và 4 km đi ngầm từ Cầu Giấy đến Ga Hà Nội. Các đoàn tàu sử dụng công nghệ tiên tiến, với tốc độ tối đa 80 km/h và tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, có khả năng vận chuyển tới 8.600 hành khách mỗi giờ, cho một hướng. Trung bình 1 ngày, tuyến đường sắt đón 65.000 lượt hành khách, phục vụ gần 2 triệu lượt khách tính đến thời điểm hiện tại.

Là sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, em Lê Thu Hà chia sẻ, nhà em khá xa trường và từ khi có tuyến đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đi vào vận hành thì em không cần phải dậy sớm để đến trường bằng xe buýt nữa, nó mang lại rất nhiều thuận lợi cho em.

Còn anh Giang Thành Trung (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, hiện anh đang công tác tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và đấy cũng là ga cuối của tàu. Nhà anh ở cách ga Cầu Giấy 2,5km, anh sẽ gửi xe ở Công viên Thủ Lệ rồi đi bằng tàu trên cao, nhờ đó giúp anh tránh được cảnh tắc đường.

Song hành cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Hiện đoạn đi ngầm của dự án đang được gấp rút thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Khởi công xây dựng vào năm 2020, với tổng mức đầu tư khoảng 544 tỉ đồng và chính thức được khánh thành vào tháng 10/2024, tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm sau khi được mở rộng với 4 - 6 làn xe đã trở thành một tuyến giao thông hiện đại, góp phần kết nối khu vực nội đô với các huyện ven đô. Đây là một dự án trọng điểm, giúp giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Với chiều dài 3,7 km, mặt cắt rộng 31m, tuyến đường hoàn thành còn đảm bảo giao thông kết nối giữa khu vực trung tâm Hà Nội với cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Trục giao thông hiện đại không chỉ giúp cho việc đưa đón các đoàn khách quốc tế thuận lợi, mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời thay đổi diện mạo khu vực phía Tây Bắc Hà Nội.

Vào đầu tháng 12/2024, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã bắt đầu vận hành thử nghiệm với khoảng thời gian 6 tháng, được kỳ vọng là một bước đột phá lớn trong việc cải thiện môi trường nước Hà Nội. Dự kiến trong năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, công suất xử lý nước thải sẽ là 270.000m³/ngày, nâng tỉ lệ xử lý nước thải của thành phố lên 50%. Với tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì trên diện tích 13,8ha. Nhà máy giúp xử lý nước thải tại 150 điểm ven các con sông của các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì và được kỳ vọng làm "sống lại" các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Đây chỉ là một trong số ít những công trình nổi bật của Thành phố trong năm 2024, là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong việc kiến tạo những giá trị mới. Không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi diện mạo đô thị mà còn thể hiện khát vọng dựng xây Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, dẫn đầu cả nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Mai Anh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dau-an-nhung-cong-trinh-noi-bat-nam-2024-cua-ha-noi-292909.htm
Zalo