Dấu ấn Nho giáo trong chùa Bửu Minh

Những văn tự có niên đại xa xưa nhất trong chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) hiện tập trung tại Sơn Hải miếu thuộc khuôn viên chùa.

Đây là những bằng chứng xác nhận làng xóm người Kinh đã xuất hiện tại Bắc Pleiku cách đây khoảng trăm năm, đồng thời cũng là một ví dụ điển hình về dấu ấn văn hóa Nho giáo ở Gia Lai.

Nguồn gốc tên gọi Sơn Hải miếu

Trong cộng đồng người Kinh ở Gia Lai, văn hóa Nho giáo xuất hiện sớm hơn văn hóa Phật giáo. Tuy hiện diện muộn hơn, nhưng Phật giáo ở Gia Lai lại phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 ngôi chùa và con số này ngày càng tăng theo thời gian. Trong tiến trình lịch sử, một số đình miếu thuộc văn hóa Nho giáo biến mất hoặc được sáp nhập vào một số ngôi chùa nào đó thuộc văn hóa Phật giáo. Trường hợp miếu Sơn Hải nhập vào chùa Bửu Minh là một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng văn hóa này.

 Chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Ảnh: Huy Tịnh

Chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Ảnh: Huy Tịnh

Bửu Minh là ngôi chùa có lịch sử lâu đời và là danh lam bậc nhất của Gia Lai. Chùa tọa lạc bên cạnh hàng thông trăm tuổi và cánh đồng chè Biển Hồ quanh năm xanh tươi, là những điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Một trong những điều khiến người đến vãn cảnh ngạc nhiên là tại sao trong chùa lại hiện diện một không gian uy nghi mang tên “Sơn Hải miếu”. Vậy giữa chùa và miếu có quan hệ như thế nào?

Hòa thượng Thích Giác Tâm là người sinh ra lớn lên, trưởng thành tại chính vùng đất này, xuất gia vào tu học tại chùa Bửu Minh từ năm 1969, trụ trì chùa từ năm 1989 đến nay. Theo Hòa thượng Thích Giác Tâm, Sơn Hải miếu được xây dựng chính tại vị trí hiện nay từ xưa. Trước kia, miếu được xây bằng gạch lợp ngói, diện tích chừng 12 m2, bức hoành phi và các liễn đối được treo trong miếu lâu đời, đặc biệt trong miếu còn thờ 1 pho tượng Chàm cao hơn 18 cm bằng đá sa thạch.

Hòa thượng Thích Giác Tâm cho biết thêm 2 thông tin thú vị. Thứ nhất, về nguồn gốc bộ hoành liễn. Một số bậc cao niên kể rằng chúng nguyên thuộc một ngôi miếu bên Sở Chè Đak Đoa. Về sau miếu hỏng, người dân đưa sang ngôi miếu bên đồn điền chè Biển Hồ. Thứ hai, tên gọi Sơn Hải miếu do chính sư đặt vào năm 1991 nhân dịp trùng tu miếu, nguồn gốc tên gọi này do sư căn cứ vào danh ngôn xưa: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh/thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” (núi không cần phải cao, có tiên thì nổi tiếng/sông không cần phải sâu, có rồng thì sẽ linh thiêng); đồng thời dựa vào thực tế cảnh quan nơi miếu tọa lạc: vùng sơn nguyên phía trước có Biển Hồ, phía sau có núi Chư Jôr, Chư Nâm, đổi chữ “thủy” thành chữ “hải” và danh xưng “Sơn Hải miếu” ra đời.

Chùa Bửu Minh vốn là một am nhỏ thuộc xóm Cỏ May cách vị trí hiện tại gần 2 km, nay là khu đập tràn thủy lợi xã Nghĩa Hưng. Am do những công nhân người Kinh từ vùng duyên hải lên đồn điền chè Biển Hồ lập ra phục vụ nhu cầu tâm linh. Sau đó, dân làng xin chủ đồn điền người Pháp cho mở rộng quy mô xây thành “chùa Phật Học”. Theo trí nhớ của Hòa thượng Thích Giác Tâm, 2 cột của ngôi chùa này từng có câu đối viết bằng sơn trên nền xi măng theo lối khoán thủ, tức lấy chữ “Phật” và chữ “Học” để mở đầu. Khoảng năm 1959-1961, chùa Phật Học được xây lại, dời về vị trí hiện nay, đổi tên thành chùa Bửu Minh theo tổ đình Bửu Thắng ở Pleiku.

Những văn tự cổ xưa nhất tại chùa Bửu Minh hiện được lưu giữ trong “Sơn Hải miếu” bên cạnh chánh điện, gồm 1 tấm hoành phi và 2 cặp liễn đối sơn son thếp vàng. Đây là những hiện vật gắn với lịch sử phát triển của ngôi chùa cũng như vùng đất này. Qua gần 1 thế kỷ, nhiều nét chữ đã phai mờ theo thời gian, dù đã qua nhiều lần được sơn quét lại song vẫn không che lấp được vẻ đẹp sắc sảo và trang nghiêm vốn có.

Dấu ấn Nho giáo

Tấm hoành phi có 3 chữ lớn “Niệm tại tư” được khắc chìm ở trung tâm tấm ván gỗ. Nguồn gốc các chữ viết này thuộc về kinh điển Nho giáo, trong phần “Đại Vũ mô” sách “Thượng thư” (kinh Thư, 1 trong “Ngũ Kinh” quan trọng nhất của Nho giáo: thi, thư, lễ, nhạc, dịch) có đoạn nói về câu chuyện giữa các nhân vật thời cổ ở Trung Hoa là Vua Thuấn muốn truyền ngôi cho các hiền thần là ông Vũ. Ông Vũ khiêm nhường nói mình thiếu tài đức, giới thiệu ông Cao Dao là người đức độ hơn mình. Trong đó có câu: “Đế niệm tai, niệm tư tại tư, thích tư tại tư, danh ngôn tư tại tư, doãn xuất tư tại tư”, đại ý: “xin ngài hãy suy xét về ông Cao Dao, tôi thấy ông ấy đức độ biểu hiện từ suy nghĩ, lời nói đến việc làm đều luôn đầy đủ”. Ba chữ “Niệm tại tư” trích ra từ đây, ca tụng đức hạnh của người cai quản dân chúng, ý khuyên răn người chăn dân phải luôn vun đắp đạo đức, làm việc siêng năng để người dân tin yêu. Nghĩa phổ biến của 3 chữ này có thể hiểu là mãi khắc ghi hoặc luôn ghi nhớ. Dòng chữ nhỏ bên phải bức hoành phi viết “Long phi Bính Tý thu”, nghĩa là mùa thu năm 1936, dòng chữ nhỏ bên trái ghi “Thản Đa bản hội phụng cung” nghĩa là Hội Thản Đa kính tặng.

Trong 2 cặp liễn có một số chữ đã bị mờ nhòe, khó đọc và dịch, nội dung ca ngợi công lao to lớn của các thánh thần trong việc tô điểm cho đất nước đẹp đẽ, giúp dân chúng tạo dựng sự nghiệp vững vàng, sinh sống yên bình hạnh phúc. Các chữ nhỏ trên cặp liễn thứ nhất cho biết niên đại hiện vật này được làm năm Bính Tý thời Vua Bảo Đại (tức năm 1936), do “Thản Đa sở bản hội kính tặng”. Như vậy, chúng ta có căn cứ để xác định rằng cặp liễn này với tấm hoành phi “Niệm tại tư” ở trên là cùng 1 bộ. Các chữ nhỏ trên cặp liễn thứ 2 cho biết niên đại của hiện vật này được làm năm Ất Hợi (tức năm 1935), không thấy tên người hay nơi tặng. Như vậy, 2 cặp liễn này có niên đại khác nhau, theo thứ tự là 1935 và 1936. Điều này giúp chúng ta có cơ sở để suy luận rằng: Vào khoảng năm 1935-1936, một ngôi miếu thờ thần đã được những người Kinh di cư lên vùng đất này xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu tâm linh của họ.

Nhưng 2 chữ “Thản Đa” ghi trên các bức hoành phi liễn đối trên nghĩa là gì? Khi mới tiếp cận các văn tự này, bản thân tôi thật sự lúng túng, chỉ đoán rằng khả năng đây là chữ Nôm ký âm tên một “sở” nào đó, gắn với địa danh ở đây, nhưng chưa xác thực được nên cứ theo mặt chữ Nho tạm đọc là “Thản Đa”. Sau khi tra cứu các sử liệu và các địa danh liên quan, tôi đoán rằng, đây chính là địa danh “Đak Đoa”. Có lẽ bởi nó là chữ Nôm nên sau này ít người biết đọc, cũng có thể do nét chữ lâu ngày bị mòn mờ nên người ta không nhận ra. Theo tài liệu của người Pháp ghi chép (nhà sưu tập Nguyễn Quang Hiền dịch và tổng hợp) cho biết: Năm 1925, người Pháp thành lập “Công ty Nông nghiệp Kontum” (Socíeté Agricole du Kontum) và lập đồn điền tại Đak Đoa (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Kon Tum), các sách lịch sử địa phương vẫn gọi là “đồn điền chè Đak Đoa” (đương thời chữ socíeté được dịch là hội). Đây là một bằng chứng giúp xác nhận phán đoán của tôi.

Mỗi dòng văn hóa có một hệ thống ngôn ngữ riêng, chúng ta có thể dựa vào đó để phân biệt, nhận diện. Các văn tự cổ xưa hiện diện trong Sơn Hải miếu được xác nhận là ngôn ngữ văn hóa thuộc về Nho giáo, không chỉ bởi những từ ngữ có nguồn gốc từ thư tịch Nho giáo rõ ràng như bức hoành phi, mà còn bởi các từ khóa mang tính đặc trưng phổ biến thường gặp ở đình miếu trong dân gian như: “đức nghiệp”, “thánh trạch”, “giang sơn”, “anh phong”, “phước trạch”, “hiển hách”, “lưu thiên cổ”, “anh phong” thể hiện trên các liễn đối.

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Gia Lai, văn hóa Nho giáo tập trung ở người Kinh, có lịch sử dài lâu, từng chiếm vai trò chi phối xã hội thời phong kiến. Văn hóa Nho giáo thể hiện trong các nguyên tắc về trật tự xã hội và giáo dục cộng đồng cũng như gia đình dòng tộc, được cụ thể hóa bằng các lời khuyên răn khuyến tấn viết trên những hoành phi, câu đối, bình phong thờ tự, trang trí ở đình miếu làng, bàn thờ gia tiên tại các tư gia, tạo thành nếp sống, nếp sinh hoạt mà chúng ta còn thường gọi là “Nho phong”.

Gia Lai là vùng đất mới đối với người Kinh, lại ở nơi biên địa đất rộng người thưa, xa trung tâm chính trị văn hóa nên văn hóa Nho giáo tại đây chỉ biểu hiện rõ nét tại các vùng dân cư cư trú thành làng xã mà ngày nay chúng ta chỉ còn hình dung được phần nào khi đến tham quan các đình miếu, nhà xưa còn rải rác tại phía Đông Pleiku như An Khê, Đak Pơ. Những dấu tích văn hóa Nho giáo khúc xạ qua tín ngưỡng dân gian như còn thấy ở Sơn Hải miếu là trường hợp hiếm hoi còn sót lại, may mắn là được bảo lưu khá tốt tại chùa Bửu Minh.

Sơn Hải miếu còn là nơi lưu giữ, thờ tự các hiện vật, tượng thần Champa, Quan Đế, Thánh Trần, ông Hoàng, Mẫu, Thành hoàng lưu lạc trong dân gian, từ các đền tháp Chàm đến đền, am xưa mà ngày nay đã không còn tồn tại kiến trúc và sinh hoạt tín ngưỡng. Vì vậy, có thể xem chùa Bửu Minh là ngôi nhà chung của nhiều vị Phật thánh của cả Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Balamon giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa thờ các vị thánh thần của người Kinh. Điều này khiến chùa Bửu Minh càng thêm hấp dẫn bởi đóng vai trò như một bảo tàng văn hóa địa phương với những giá trị văn hóa tâm linh đa tầng, đa sắc thái.

LƯU HỒNG SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dau-an-nho-giao-trong-chua-buu-minh-post311773.html
Zalo