Dấu ấn nhân cách sử học Đinh Xuân Lâm
Nhìn lại hành trình hơn 90 năm tuổi đời, mấy mươi năm cống hiến cho nền sử học nước nhà của cố GS. NGND. Đinh Xuân Lâm, nhiều người khâm phục tinh thần dấn thân của ông trên con đường nghiên cứu nghiêm cẩn để gặt hái những thành tựu sử học quan trọng.

Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS. NGND. Đinh Xuân Lâm sáng 25.2 quy tụ nhiều nhà khoa học, tổng kết và tôn vinh di sản sử học của ông
‘‘Năm 2025 kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. NGND. Đinh Xuân Lâm, đồng thời cũng kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hôm nay được xây dựng từ truyền thống Đại học Văn khoa 80 năm trước và tinh hoa Đại học Tổng hợp. Và chắc chắn, dáng vóc và tinh thần của ngôi trường này được kết tinh từ trí tuệ, bản lĩnh, tình yêu của biết bao thế hệ thầy và trò, trong đó có những gương mặt xuất sắc như GS.NGND. Đinh Xuân Lâm’’.
Đây là phát biểu của GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS. NGND Đinh Xuân Lâm, sáng 25.2.
GS. Đinh Xuân Lâm giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1956, cùng với các bạn đồng môn Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng. Ông là người góp nhiều công lao xây dựng Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam của Khoa. Ông là một nhà giáo tâm huyết với câu nói nổi tiếng: ‘‘Nếu có kiếp sau và được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học’’.
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến năm 2015, trong gần 60 năm nghiên cứu, GS. Đinh Xuân Lâm đã xuất bản hơn 500 ấn phẩm khoa học, bao gồm sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình, sách hướng dẫn, bài tạp chí....
Đặc biệt, không gian hoạt động khoa học của ông rất rộng và đa dạng về loại hình cũng như chủ đề nghiên cứu ngoài địa hạt sử học như văn hóa, văn học sử, tư liệu Hán - Nôm...

GS. Đinh Xuân Lâm (1925 - 2017) được tôn vinh là một trong "tứ trụ" huyền thoại "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng) của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp xưa
Trong lĩnh vực sử học, các đề tài nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm đều hướng vào lịch sử Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại với những đóng góp nổi bật. Thứ nhất, nghiên cứu làm rõ lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là các cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ và giành lại nền độc lập dân tộc từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Thứ hai, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ ba, nghiên cứu giới thiệu các nhân vật lịch sử.
Đặc biệt, GS Đinh Xuân Lâm là người phát hiện và giới thiệu các tư liệu mới liên quan đến một số nhân vật lịch sử và phong trào yêu nước, cách mạng thời kỳ từ cuối thế kỷ XX đến trước năm 1945 như về thân thế và cái chết của Hoàng Hoa Thám, các trước tác của Phan Bội Châu, một số tài liệu lưu trữ về Nguyễn Ái Quốc ở Pháp...

Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của GS. NGND. Đinh Xuân Lâm
Bằng phương pháp tiếp cận đa chiều, cần mẫn khai thác các nguồn tư liệu, GS. Đinh Xuân Lâm góp công lớn tháo gỡ những điểm rối, nút thắt trong nghiên cứu sử học đối với những nhân vật có nhiều tồn nghi như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, hoặc có những ý kiến trái chiều như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết...
Đơn cử trường hợp Nguyễn Văn Tường, dựa trên các tài liệu thu thập, phát hiện được, cho thấy sau khi nổ ra sự biến Thất thủ Kinh đô (đêm ngày 4, rạng ngày 5.7.1885), Nguyễn Văn Tường ở lại Huế thương lượng với Pháp nhằm tìm thêm thời gian, tìm cách tiếp tục đối phó. GS. Đinh Xuân Lâm khẳng định không thể xếp chung Nguyễn Văn Tường với nhóm tay sai của thực dân Pháp và gợi mở, định hướng nghiên cứu tiếp sau.

Đại biểu tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.NGND. Đinh Xuân Lâm
Đóng góp nổi bật nữa của ông thể hiện trong trao đổi và đối thoại học thuật với học giả quốc tế. Thông qua bài viết giới thiệu sách in trên các tạp chí chuyên ngành, các tọa đàm khoa học, ông đưa ra nhiều vấn đề trao đổi ý kiến với các học giả nước ngoài về nguồn tư liệu sử dụng, cách nhận định, đánh giá một số sự kiện, nhân vật hoặc các nội dung của lịch sử Việt Nam được đề cập trong các công trình nghiên cứu tiêu biểu như cuốn: Trung Kỳ - Bắc Kỳ: Những năm 1885 - 1896 (văn thân và nông dân đứng trước cuộc chinh phục thuộc địa) của Charles Fourniau, sách Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông của Georges Boudarel, cuốn Hồ Chí Minh - từ nhà cách mạng đến thần tượng của Pierre Brocheux...
‘‘Có thể nói, GS.NGND. Đinh Xuân Lâm đã thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, bản lĩnh ngay thẳng, chính trực của một nhà sử học chân chính. Nhiều nghiên cứu của ông được xem là kinh điển, đặt nền tảng cho chuyên ngành. Đồng thời, qua các nghiên cứu chuyên sâu và trao đổi học thuật với các học giả nước ngoài, ông đã chứng tỏ tài năng xuất sắc của một nhà sử học hàng đầu, mang tầm vóc quốc tế của Việt Nam’’, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh nhận định.
Khoa học, giáo dục đang đứng trước những thử thách và biến đổi lớn lao. Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều càng cần quay về đứng vững trên những giá trị cốt lõi. Tấm gương GS. NGND. Đinh Xuân Lâm đã mang đến giá trị quan trọng của nghiên cứu sử học. Đó là sự tìm tòi, không ngại dấn thân và kiên trì bảo vệ đến cùng các quan điểm sử học dựa trên sự thật lịch sử và chân lý khoa học.
Nói như GS. TS. Hoàng Anh Tuấn: ‘‘Tìm hiểu và chiêm nghiệm về chân dung một người thầy, một nhà nghiên cứu - GS. NGND. Đinh Xuân Lâm chính là cơ hội để mỗi người chúng ta tìm về những giá trị của khoa học, của yêu thương và đạo đức, củng cố bản lĩnh người thầy, sẵn sàng đón nhận những thử thách và vận hội mới’’.