Dấu ấn nhà giáo chi viện miền Nam ở ngôi trường 60 năm tuổi ở Tây Ninh
Những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất, ngành giáo dục miền Nam đứng trước nhiều thử thách, đặc biệt là sự thiếu hụt đội ngũ nhà giáo. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, nhiều nhà giáo từ miền Bắc miền Trung với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm đã tình nguyện hoặc được điều động vào Nam công tác.


Nhà giáo Nguyễn Hữu Tuế và đồng nghiệp.
Một trong những nhà giáo trong phong trào Nam tiến là nhà giáo Nguyễn Hữu Tuế. Ông sinh ra ở một miền quê "mưa thối đất, nắng đỏ trời", một vùng đất xưa kia rất nghèo khó nhưng vang danh tinh thần hiếu học.
Hà Tĩnh đâu đâu cũng thắp lên ngọn đèn học tập, nhen nhóm ánh sáng tri thức để mở cánh cửa cuộc đời. Ngọn đèn tri thức soi chiếu từ thời xa xưa gắn liền với các văn nhân, nho sĩ theo đuổi sự nghiệp "kinh bang kế thế" trao truyền cho đến tận ngày nay.
Chính mạch nguồn của quê hương và truyền thống hiếu học của gia tộc đã ngấm ngầm trong huyết quản của một chàng trai nghèo nhưng khát khao tri thức. Chính nền tảng đó đã tạo nên một con người mẫu mực, cống hiến bền bỉ suốt 40 năm cho sự nghiệp trồng người như nhà giáo Nguyễn Hữu Tuế.
Ít tai hình dung được, để đến được với tri thức, cậu học trò nhỏ bé ngày nào phải đi bộ 20 cây số đường đất dài thăm thẳm bằng đôi chân trần trụi. Con đường ấy không đo nổi ý chí, nghị lực của chàng trai nhỏ bé.
Nghị lực vượt lên khó khăn đã được ghi nhận bằng kết quả ấn tượng. Cậu học trò Nguyễn Hữu Tuế đã vượt qua hàng trăm thí sinh để có tấm vé vào Trường Đại học Sư phạm Vinh. Tốt nghiệp ra trường, thực hiện sự điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo và lên đường cùng với đội ngũ nhà giáo chi viện cho miền Nam, bắt đầu một hành trình cống hiến mới.
Nơi nhà giáo Nguyễn Hữu Tuế nhận nhiệm sở là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (tiền thân là Trường Trung học Trảng Bàng). Vốn xuất thân từ trong hoàn cảnh khó khăn của "vùng đất chảo lửa túi mưa" nên quê hương xứ Trảng đã thử thách một nhà giáo chịu thương, chịu khó, lạc quan, luôn hướng về tương lai.


Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Trảng Bàng, Tây Ninh kỉ niệm 50 năm xây dựng và trưởng thành vào năm 2015 và kỉ niệm 60 năm vào ngày 6 tháng 4 năm 2025.
Những năm đầu thập niên tám mươi, đất nước mới được giải phóng và đang tiến hành công cuộc kiến thiết, đời sống của nhà giáo còn ngổn ngang khó khăn, thiếu thốn trăm bề bởi đồng lương quá thấp.
Nhà giáo trẻ Nguyễn Hữu Tuế từ miền Trung vào Nam, không có nhà cửa, phải ở nhờ nhà công vụ; bữa cơm nhiều khi ăn độn rau muống qua ngày. Dẫu kham khổ nhưng thầy vẫn kiên trì bám trường bám lớp, giữ trọn ngọn lửa với nghề.
Trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần cái khó ló cái khôn đã thôi thúc các nhà giáo cùng lớp chủ nhiệm tham gia sản xuất, làm ruộng hai bên phần đất trống của trường để tăng cường cho bếp ăn tập thể. Cuộc sống dù thiếu thốn nhưng tình yêu nghề mãnh liệt và một tấm lòng sâu nặng với người dân xứ Trảng đã giúp những người như thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế cống hiến trọn đời cho lý tưởng giáo dục. Ngoài giờ dạy chính khóa, ông còn tình nguyện tổ chức phụ đạo, ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho cho học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng bộ môn.
Dẫu cuộc đời có biến thiên nhưng thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế vẫn giữ được sự bình yên trong tâm hồn. Thầy tin rằng sự thành công của học trò chính là thước đo thành công trong cuộc đời dạy học. Vì thế, trong suốt 40 năm đứng lớp, ông đã nguyện làm cánh chim không mỏi chở biết bao thế hệ học trò bay cao bay xa đến những chân trời rộng mở. Ẩn đằng sau sự miệt mài ấy là một cốt cách giản dị, một tấm lòng hòa ái, chan chứa tình người - một bản sắc của người Hà Tĩnh.
Trong 40 năm giảng dạy, các thế hệ học trò vẫn cảm nhận được rằng, trong lời giảng của thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế còn có cả một tấm lòng luôn hướng về mảnh đất miền Trung.
Xa rời quê hương từ thời trai trẻ, đến nay ông đã bước vào tuổi thất thập nhưng chất giọng vẫn đậm chất đặc trưng của người miền Trung chính gốc. Đặc biệt, khi ông giảng những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh, ông quên cả giới hạn thời gian, vượt qua không gian, như hòa mình vào câu chuyện.
Cũng có khi, để thổi bùng cảm xúc cho bài dạy, ông cất lên những câu hát về những con đường huyền thoại: "Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao / Rồi đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm / Cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận/ Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi/ Đường hiên ngang vượt qua truông qua suối/ Thêm bao nhiêu con đường lứa tuổi hai mươi". Giọng ca mộc mạc, cao vút của thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế đã chiếm trọn tình yêu thương của học trò biết bao thế hệ.
Cả tuổi thanh xuân của nhà giáo Nguyễn Hữu Tuế đã dành trọn cho ngôi trường 60 năm tuổi. Cho đến khi về hưu, ông được Ban Giám hiệu tin tưởng, giao trọng trách giảng dạy những lớp cuối cấp thi tốt nghiệp. Những lớp ông đảm trách đều khẳng định chất lượng cao. Thầy đã góp phần không nhỏ tạo nên thành tích chung đáng tự hào của nhà trường.
Con đường dài 40 năm cống hiến rồi cũng đến lúc dừng chân. Khi chia tay đồng nghiệp, mái trường với con đường rợp bóng hàng dương và chia tay học sinh thân yêu, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế quyến luyến không nỡ rời xa. Bốn mươi năm chân không mỏi trên con đường gieo ước mơ, đánh thức tương lai cho biết bao thế hệ học trò là một hành trình đáng trân trọng. Sự cống hiến không mệt mỏi của ông được đồng nghiệp yêu thương, kính mến. Tình cảm ấy được thầy Trần Tư Thất, đồng nghiệp cũ, gói trọn trong những vần thơ tặng thầy ngày chia tay: "Cây cao đứng thẳng dáng uy nghi / Bóng cả vươn xa chẳng quản chi / Một đời trọn đạo trao tri thức / Mãn nhiệm an khang hóa vinh quy".
Có thể nói, bài học quý giá nhất mà thầy truyền dạy cho các thế hệ học trò không phải là kiến thức sách vở mà đó chính là tấm gương sáng ngời về sự nỗ lực không mệt mỏi, lòng yêu nghề của một nhà giáo chân chính.
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập là dịp để những thế hệ đang tiếp nối trân trọng thế hệ nhà giáo đi trước như thầy giáo Nguyễn Hữu Tuế và tất cả những nhà giáo đáng kính đã từ miền Bắc miền Trung "tăng viện" cho miền Nam trong những ngày đầu đầy gian khó. Những thế hệ nhà giáo tiên phong đã góp phần khơi mạch nguồn chảy để các thế hệ tiếp nối viết tiếp trang sử vẻ vang cho truyền thống dạy tốt – học tốt của nhà trường.