Dấu ấn lịch sử ở chùa cổ Mai Sơn

Với vị trí liền kề sông Cầu, đường bộ và đường thủy thuận lợi, mảnh đất Kha Sơn (Phú Bình) được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ lựa chọn làm An toàn khu II. Trước năm 1945, Kha Sơn là chốn đi về của nhiều cán bộ Việt Minh. Nằm trong cụm di tích lịch sử Kha Sơn, chùa Mai Sơn ở xóm Mai Kha ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hàng tháng, các thành viên trong Ban hộ tự chùa Mai Sơn đều đến quét dọn khuôn viên đảm bảo sạch đẹp.

Hàng tháng, các thành viên trong Ban hộ tự chùa Mai Sơn đều đến quét dọn khuôn viên đảm bảo sạch đẹp.

Chở che cán bộ cách mạng

Vào một ngày đầu Thu, chúng tôi có dịp đến tham quan Di tích lịch sử Quốc gia chùa Mai Sơn và được mục sở thị những hiện vật, câu chuyện về các sự kiện lịch sử tại ngôi chùa này. Chỉ lên tấm bia đá đã nhuốm màu thời gian, ông Nguyễn Tiến Hòa, Trưởng xóm Mai Kha, tự hào nói: Các sự kiện lịch sử đều được khắc lại đầy đủ trên bia đá để khách thập phương và các thế hệ con cháu biết được những giai thoại hào hùng của cha ông.

Chùa Mai Sơn được xây dựng năm 1704. Năm 1997, ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo thông tin trên các tấm bia đá và một số tư liệu lịch sử, trong giai đoạn 1943-1944, Xứ ủy Bắc Kỳ đã đưa Nhà in đặc biệt khu từ xã Tiên Phong (nay là phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên) về đặt tại chùa. Ở đây, nhiều tài liệu, sách báo quan trọng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo đã được in ấn như: Báo Cờ giải phóng; sách dạy du kích chiến tranh, Bắc Sơn khởi nghĩa...

Sau đó, các tài liệu này được chuyển đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám. Đến ngày 3 và 4/10/1944, khu vực các xã: Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ, Mai Sơn (nay đều thuộc xã Kha Sơn) bị địch bao vây. Khi đến đây, chúng phát hiện ra Nhà in đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kỳ ở chùa và bắt nhiều quần chúng cách mạng ở Mai Sơn cùng các xã lân cận. Mặc dù bị đàn áp nhưng lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh của nhân dân trên địa bàn vẫn không ngừng sục sôi.

Không chỉ là nơi in ấn tài liệu, chùa Mai Sơn còn là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh tổng Phương Sơn (Phú Bình) vào năm 1943; địa điểm tổ chức cuộc họp do đồng chí Lương Văn Đài, cán bộ Xứ ủy triệu tập và các lớp huấn luyện chính trị, quân sự do đồng chí Trần Độ, Hà Thị Quế chủ trì.

Các cột đá là một trong những hiện vật được gìn giữ tại chùa cổ Mai Sơn.

Các cột đá là một trong những hiện vật được gìn giữ tại chùa cổ Mai Sơn.

Bà Nguyễn Thị Viện, bậc cao niên trong xóm, kể: Thời điểm Nhà in chuyển về đây, tôi chỉ mới 4 tuổi. Khi ra chùa chơi, tôi thỉnh thoảng gặp các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ. Mỗi khi được nhân dân báo có địch đến, cán bộ sẽ đến nhà bà Nguyễn Thị Xứng để trú ẩn. Máy in được chuyển cho hộ ông Nguyễn Công Vít sinh sống gần chùa cất giữ.

Còn bà Đỗ Thị Xuyến, mặc dù không được chứng kiến tận mắt những sự việc trong lịch sử nhưng qua lời kể của người lớn trong nhà, cũng cảm nhận được phong trào cách mạng sôi nổi của các thế hệ cha ông. Bà Xuyến chia sẻ: Ông bà tôi kể lại rằng, thời điểm đó, người dân luôn có ý thức giữ bí mật về hoạt động của cán bộ cách mạng. Nhân dân còn chủ động đóng góp thực phẩm, tạo mọi điều kiện về chỗ ở, nơi trú ẩn cho cán bộ.

Gần 80 năm đã qua, những trang sử vàng tại chùa Mai Sơn nói riêng, xã Kha Sơn nói chung mãi là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Từ đó hun đúc lòng yêu nước, tạo động lực để mỗi người con sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng cùng góp sức xây dựng quê hương.

Những dấu ấn lịch sử tại ngôi chùa được khắc ghi trên các bia đá.

Những dấu ấn lịch sử tại ngôi chùa được khắc ghi trên các bia đá.

Để di tích "sống" mãi

Chùa Mai Sơn là 1 trong 7 di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn xã Kha Sơn. Trong những năm qua, các cấp, ngành cùng nhân dân luôn bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa. Bà Nguyễn Thị Bắc, Trưởng Ban Quản lý chùa Mai Sơn, chia sẻ: Hàng tháng, các thành viên trong Ban hộ tự sẽ đến quét dọn, chỉnh trang khuôn viên đảm bảo sạch đẹp. Khi chùa bị xuống cấp hạng mục nào, chúng tôi sẽ phối hợp với cán bộ xóm báo chính quyền địa phương để có phương án sửa chữa kịp thời.

Theo lời kể của người dân trong xóm, ngôi chùa này đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần. Cuối năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Phú Bình trùng tu, tôn tạo chùa với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Vào năm 2020 và 2023, xóm cũng vận động nhân dân công đức để xây dựng tường bao bị đổ do thiên tai, sửa chữa mái chùa bị giột và lát lại góc sân. Nhờ vậy, đến nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được nguyên trạng nét cổ kính và những giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Cùng với công tác bảo tồn, hoạt động giáo dục truyền thống cũng được thực hiện để những giá trị lịch sử được lưu truyền mãi về sau. Tại xã Kha Sơn, hàng năm, Đoàn xã thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di tích lịch sử, trong đó có chùa Mai Sơn. Trong chương trình dạy học của các trường học trên địa bàn, thầy cô cũng quan tâm tổ chức hoạt động về nguồn, tìm hiểu thông tin về các địa chỉ đỏ trong và ngoài xã.

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202408/dau-an-lich-su-o-chua-co-mai-son-3b121ce/
Zalo