Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 13-19/1

Mối lo về việc Fed giảm lãi suất nhỏ giọt trong năm nay đã được giải tỏa phần nào, IMF lạc quan hơn về kinh tế thế giới, đồng USD quay đầu giảm giá...

Lạm phát ở Mỹ thấp hơn dự báo là một thông tin khả quan trong tuần này - Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát ở Mỹ thấp hơn dự báo là một thông tin khả quan trong tuần này - Ảnh: Bloomberg.

Tuần này, các thị trường tài chính trên toàn cầu hồi hộp chờ lễ nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào ngày thứ Hai tới của ông Donald Trump - người đã tuyên bố sẽ đưa ra nhiều chính sách mới quan trọng ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, có thể bao gồm việc áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu.

Mối lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất nhỏ giọt trong năm nay đã được giải tỏa phần nào khi hai báo cáo lạm phát đều cho thấy áp lực giá cả yếu hơn so với kỳ vọng. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng phát đi một thông tin khả quan là tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt mục tiêu, dù triển vọng của năm 2025 sẽ tùy thuộc nhiều vào chính sách thuế quan của ông Trump và nỗ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm nay, nhưng cho rằng sự tăng trưởng diễn ra không đều giữa các nền kinh tế lớn.

Đồng USD đã giảm giá trong tuần này sau khi đạt đỉnh cao nhất hơn 2 năm. Tín hiệu chính sách tiền tệ cứng rắn từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến nhà đầu tư khấp khởi hy vọng về việc cơ quan này có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới.

Dưới đây là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ ngày 13/1 đến ngày 19/1 do VnEconomy điểm lại:

Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý 4/2024, đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm

Hôm 17/1, Trung Quốc công bố số liệu thống kê chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2024 đạt 5%, phù hợp với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là tăng trưởng “khoảng 5%”, đồng thời cao hơn so với mức dự báo tăng 4,9% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Một tín hiệu khả quan là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5,4% trong quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái - một sự tăng tốc mạnh từ mức 4,6% ghi nhận trong quý 3 và cao hơn mức dự báo tăng 5% mà giới phân tích đưa ra.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong năm 2025, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại, gồm khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết, nhu cầu tiêu dùng còn yếu, khả năng bị chính quyền Trump 2.0 áp thuế quan. Những thách thức này đòi hỏi Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp kích cầu bằng tài khóa, tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, các biện pháp được công bố đến thời điểm này bị giới phân tích cho là nhỏ lẻ và thiếu đồng bộ.

IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) cập nhật công bố ngày 17/1, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm nay, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10. Về năm 2026, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,3%. Dù có chút lạc quan hơn, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas nhận định các con số dự báo này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là 3,7%.

IMF nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cho thấy sự vững vàng đáng ngạc nhiên trong năm nay, trong khi kinh tế châu Âu tăng trưởng ì ạch và kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc.

Thế giới sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ

Chưa ai dám chắc ông Trump có áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 hay không, cũng như những quốc gia hay những mặt hàng nào sẽ bị áp thuế quan và mức thuế cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho cả kịch bản đàm phán và trả đũa.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNN rằng Canada đang chuẩn bị một danh sách dài các hàng hóa của Mỹ để áp thuế quan trả đũa nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế quan 25% lên hàng hóa Canada. Nguồn tin nói giới chức Canada đang lên danh sách hàng chục sản phẩm Mỹ để đánh thuế, nhằm vừa gửi đi thông điệp chính trị, vừa gây ra thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế.

Giới chức BOJ đưa ra tín hiệu mới về lãi suất, đồng yên hồi phục mạnh

Trước tuần này, đồng yên Nhật Bản đã đương đầu áp lực giảm giá mạnh do xu hướng tăng giá trên diện rộng của đồng USD và kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm lãi suất chậm trong năm 2025 trong khi BOJ có thể trì hoãn việc tăng lãi suất. Nhưng trong tuần này, áp lực đó đã được giải tỏa khi Thống đốc BOJ Kazuo Ueda và một số quan chức khác của ngân hàng trung ương này tuyên bố sẽ bàn về việc tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 23-24/1.

Nhờ đó, đồng yên đã có một tuần hồi phục mạnh, tăng hơn 1% trong cả tuần. Phiên ngày thứ Sáu, tỷ giá yên so với USD đạt 154,98 yên đổi 1 USD, cao nhất 1 tháng.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc lập kỷ lục mới

Số liệu thặng dư thương mại năm 2024 của Trung Quốc có thể khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền sắp tới của ông Trump thêm phần căng thẳng. Thống kê chính thức cho thấy trong năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc vượt nhập khẩu 992 tỷ USD - một con số thặng dư kỷ lục, trong đó hơn 1/3 là thặng dư với Mỹ.

Mức thặng dư thương mại khổng lồ này thậm chí cũng khiến nhiều quốc gia khác lo ngại, trong bối cảnh tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc đã dẫn tới một làn sóng hàng hóa giá rẻ từ nước này tấn công khắp thị trường toàn cầu trong năm 2024. Nếu bị ông Trump áp thuế quan, Trung Quốc có thể tìm cách xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường khác - một kịch bản đã được nhiều nền kinh tế tính đến.

Ông Biden tiếp tục có những động thái chính sách cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng

Trong những ngày cầm quyền cuối cùng, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden tiếp tục có các động thái chính sách đáng chú ý như tăng cường trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, siết kiểm soát đối với hoạt động bán công nghệ chip và trí tuệ nhân tạo (AI) qua nước thứ ba cho Trung Quốc, xóa nợ cho sinh viên vay ăn học…

Trong bài phát biểu điểm lại các dấu ấn ngoại giao trong nhiệm kỳ của mình hôm 13/1, ông Biden cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt được Mỹ. “Chúng ta có thể khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra, nếu chúng ta đầu tư vào bản thân và bảo vệ người lao động cũng như công nghệ của mình”, ông nói.

Kinh tế châu Âu ảm đạm, nhu cầu hạ lãi suất tăng lên, các đồng tiền châu Âu đối mặt sức ép giảm giá so với USD

Cả hiện tại và triển vọng của kinh tế khu vực đồng tiền chung eurozone đều ảm đạm. Thống kê tuần vừa rồi cho thấy kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone, giảm năm thứ hai liên tiếp, với mức giảm 0,2% trong năm 2024, sau khi giảm 0,3% trong năm 2023. Dù vậy, Đức vẫn chưa rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật vì chưa có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp nào.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố tuần này, IMF dự báo kinh tế eurozone tăng trưởng 1% trong năm 2025 và 1,4% trong năm 2026, đồng thời nhấn mạnh sự ảm đạm này trái ngược với sức tăng trưởng bền bỉ của kinh tế Mỹ.

Mối lo về nợ công của Mỹ tăng cao trước nhiệm kỳ mới của ông Trump

Trong các chủ trương kinh tế mà ông Trump đưa ra tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông muốn cắt giảm tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công chồng chất của Mỹ. Việc ông Trump không có ý định “thắt lưng buộc bụng” khiến giới đầu tư thêm phần lo ngại khi Washington có mức bội chi khổng lồ.

Theo số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố mới đây, trong quý 4/2024 - tức quý đầu tiên của tài khóa 2025 bắt đầu vào tháng 10/2024 - tổng mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ là 710,9 tỷ USD, tăng khoảng 200 tỷ USD so với tài khóa trước, tương đương mức tăng 39,4%. Thâm hụt và nợ công tăng cao là một nguyên nhân đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức 4,79%, cao nhất hơn 1 năm, vào đầu tuần này.

Dân số Trung Quốc tiếp tục xu hướng suy giảm và già hóa

Bên cạnh sự giảm tốc của nền kinh tế, dân số giảm và già hóa đang là một vấn đề khác khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh “đau đầu”. Dân số suy giảm và lão hóa không chỉ khiến động lực tăng trưởng kinh tế suy giảm do lực lượng lao động ngày càng ít đi, mà còn gia tăng gánh nặng lương hưu và chăm sóc người cao tuổi, bên cạnh nhiều hệ lụy khác.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/1 cho thấy dân số Trung Quốc giảm 1,39 triệu người trong năm ngoái, còn 1,408 tỷ người, từ mức 1,409 tỷ người trong năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp quốc gia đông dân thứ hai thế giới chứng kiến dân số giảm. Theo dự báo, số dân ở tuổi hưu trí ở Trung Quốc, là những người từ 60 tuổi trở lên, được báo sẽ tăng lên mức hơn 400 triệu người vào năm 2035, từ 280 triệu người hiện nay.

Giá vàng thế giới tăng liên tục 3 tuần, chứng khoán thế giới cũng tăng

Báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ có những con số yếu hơn dự báo. Nhờ vậy, giới đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay, dù có thể chỉ giảm 1-2 lần và chỉ giảm trong nửa sau của năm. Trước đó, một số nhà đầu tư thậm chí lo ngại rằng Fed có thể sẽ không giảm thêm lãi suất vì nền kinh tế tăng trưởng vững và lạm phát dai dẳng.

Kỳ vọng mới về lãi suất khiến đồng USD giảm giá trong tuần này, đưa giá vàng tăng tuần thứ ba liên tiếp. Cả tuần, giá vàng thế giới tăng gần 0,5% trong khi chỉ số Dollar Index giảm hơn 0,2% dù đã đạt mức cao nhất hơn 2 năm vào đầu tuần.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 2,9% tuần này, trong khi chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 2,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất của mỗi chỉ số kể từ tuần sau bầu cử Mỹ.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-an-kinh-te-the-gioi-tuan-13-19-1.htm
Zalo