'Đất vàng' khó bán
Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất phụ cận các dự án giao thông. Theo đó, có tổng cộng 21 khu đất được khai thác bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng (ĐGĐ) để lấy vốn đầu tư kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua nhưng chưa có khu đất nào đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá.
21 khu “đất vàng” vẫn chưa được đấu giá
Năm 2022, sau khi được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 6 quyết định phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. Có tổng cộng 21 khu đất phụ cận 9 tuyến đường giao thông nằm trong đề án. Trong đó, 7 khu đất cao su diện tích hơn 930 hécta giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện công tác thu hồi, bồi thường; số còn lại là đất hộ gia đình cá nhân quản lý, sử dụng giao cho UBND các huyện, thành phố nơi có dự án giao thông đi qua thực hiện thu hồi, bồi thường.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành công tác thu hồi, bồi thường, các khu đất này sẽ được đem bán đấu giá trong giai đoạn 2022-2027. Tổng số tiền dự kiến thu về từ ĐGĐ khoảng 42,8 ngàn tỷ đồng, trừ đi các chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư hạ tầng giao thông số tiền còn lại 34,4 ngàn tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Chu Tiến Dũng chia sẻ, hiện các thủ tục liên quan để đảm bảo đủ điều kiện tổ chức ĐGĐ đối với 21 khu đất chưa xong. Việc này cần các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện.
Cũng theo ông Dũng, để một khu đất được đăng thông báo ĐGĐ cần hoàn tất gần 10 thủ tục như: xác định ranh giới khu đất thu hồi, thanh lý tài sản trên đất; lập quy hoạch chi tiết 1/500; lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư; lập phương án đấu giá; thẩm định, trình phê duyệt phương án đấu giá; xác định giá khởi điểm, trình phê duyệt giá khởi điểm…, mỗi thủ tục cần tuân thủ quy định về quy trình, thời gian. Đó là chưa kể khu đất đó còn phải cập nhật vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh nếu chưa có; khu đất có diện tích đất lúa, đất rừng phải làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trình HĐND tỉnh thông qua.
Việc chưa có khu đất nào hoàn thành thủ tục để đưa ra ĐGĐ đồng nghĩa với nguồn thu từ bán ĐGĐ lợi thế bằng 0, các dự án dự kiến triển khai trên khu đất đấu giá chưa có, dự án đường giao thông có kế hoạch triển khai bằng nguồn thu từ đất cũng phải chờ.
Cần tích cực hơn nữa
Trong Dự thảo Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025 trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường đã đưa vào danh mục và lập đường gantt các thủ tục cần thực hiện, thời gian hoàn thành, cơ quan chủ trì để 21 khu đất lợi thế có thể ĐGĐ trong năm 2025 và năm 2026. Theo đó, các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch chi tiết rút gọn… để đủ điều kiện tổ chức ĐGĐ 21 khu đất.
Đấu giá khu đất lợi thế là giải pháp tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để có thể đấu giá, khu đất phải đủ điều kiện đưa ra đấu giá. Tiếp đến, các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông phải được triển khai thì khu đất lợi thế mới mang lại giá trị cao, đồng thời việc thu hồi đất làm đường và thu hồi đất lợi thế mới thực hiện song song được. Ngoài ra, phải có nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá.
Dự thảo Kế hoạch ĐGĐ năm 2025 và các năm tiếp theo của Sở Tài nguyên và môi trường có tổng cộng 37 khu đất. Trong đó 16 khu đất cơ bản đã đủ điều kiện đấu giá ước thu được gần 2,2 ngàn tỷ đồng, 21 khu đất phụ cận các dự án đường giao thông ước giá trị hơn 15,8 ngàn tỷ đồng.
Vào tháng 3-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác ĐGĐ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy việc ĐGĐ các khu đất. Theo quyết định này, tổ công tác sẽ lập danh mục thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các khu đất, thửa đất dự kiến tổ chức đấu giá; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các khu đất, thửa đất theo kế hoạch ĐGĐ từng năm, từng giai đoạn và 21 khu đất thuộc các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông. Cùng với đó, theo dõi sát sao, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác ĐGĐ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Tổ trưởng Tổ Công tác ĐGĐ tỉnh, cho biết trên địa bàn có 21 khu đất lợi thế với tổng diện tích hơn 1,5 ngàn hécta đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, còn có gần 20 khu đất theo các kế hoạch ĐGĐ tỉnh đã ban hành nhưng chưa đấu giá được; thêm 5 khu đất thuộc Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các trục đường nội bộ khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 (Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển đổi công năng). Như vậy, quỹ đất có thể đấu giá tạo vốn phát triển hạ tầng là khá nhiều.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là thủ tục lập quy hoạch 1/500, hồ sơ trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án đấu giá. Sở Tài nguyên và môi trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức ĐGĐ năm 2025 và những năm tiếp theo. Quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.