Đặt tên mới cho xã, phường - đảm bảo nhiều yếu tố
Hà Nội đang lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp, đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, nhằm hoàn thiện đề án trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Sau đợt sắp xếp này, thành phố có 126 đơn vị hành chính cơ sở mới và nhiều xã phường sẽ mang những tên gọi mới.
Quận Hai Bà Trưng hiện có 15 phường, dự kiến sau sắp xếp quận này còn 3 đơn vị hành chính cơ sở gồm: Hai Bà Trưng, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Ông Nguyễn Mạnh Cường sinh sống hơn 30 năm tại phường Lê Đại Hành, khi nắm được thông tin sau sáp nhập phường mình mang tên Hai Bà Trưng, ông cho rằng tên gọi mới này đã chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và truyền thống.
Ông Cường chia sẻ: "Rất tự hào khi tên phường mới là Hai Bà Trưng, mang tên hai vị nữ tướng anh hùng của dân tộc, chúng tôi rất phấn khởi và đồng thuận".
Ngoài việc giữ lại tên gọi của một địa danh mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử là Hai Bà Trưng, quận cũng đưa ra phương án giữ lại tên Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Điều này không chỉ giữ lại giá trị lịch sử và văn hóa của hai vùng đất mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với quá trình phát triển bền vững, lâu dài của khu vực.
Thành công khi chọn tên mới cho các xã phường chính từ sự đồng thuận của người dân. Nó giúp quá trình sáp nhập suôn sẻ và tạo ra sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết trong cộng đồng sau sáp nhập.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban văn hóa và xã hội của Quốc hội cho biết: "Sau sáp nhập những vùng đất mới có một ký ức chung, kỷ niệm chung và những câu chuyện chung. Từ đó sẽ tạo ra sự gắn kết, tạo ra sự đồng lòng nhất trí và tinh thần đoàn kết. Tất cả những yếu tố này là vô cùng quan trọng".
Sau sáp nhập, hàng loạt xã phường sẽ mang tên mới. Không chỉ là thủ tục hành chính, việc đặt tên còn liên quan đến bản sắc, ký ức và sự đồng thuận cộng đồng. Dẫu tên gọi có thay đổi thì cái tên thiêng liêng nhất, sâu nặng nhất vẫn sẽ còn mãi trong lòng mỗi người đó là Việt Nam.