Đặt mục tiêu thu lợi nhuận tham vọng, Chủ tịch Hòa Phát tiết lộ phương án trả cổ tức 2025, 2026
Chia sẻ tại đại hội cổ đông, ông Trần Đình Long đánh giá kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, xuất khẩu bị ảnh hưởng, song tập đoàn vẫn mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng, đồng thời tiết lộ kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn Hòa Phát
“Không thay đổi kế hoạch tham vọng dù biến động”
Dù không còn là doanh nghiệp có lượng cổ phiếu lưu hành lớn nhất thị trường, song với 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vẫn xứng đáng là “cổ phiếu quốc dân”, thu hút lượng lớn cổ đông tham dự mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mỗi năm.
Năm nay, ĐHĐCĐ của Hòa Phát có 1.046 đại biểu, đại diện cho hơn 4 tỷ cổ phiếu có quyền biểu quyết đến tham dự.
Theo ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT, tập đoàn có khoảng 194.000 cổ đông, là số cổ đông lớn nhất của một công ty trên sàn chứng khoán và gọi Hòa Phát là “công ty quốc dân”.

Hơn 1.000 cổ đông tham dự ĐHCĐ năm 2025 của Hòa Phát
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Đình Long đánh giá kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, xuất khẩu bị ảnh hưởng, song tập đoàn vẫn mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng.
Cụ thể, năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 24,7% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch, doanh thu của Hòa Phát sẽ đạt mức kỷ lục mới, còn lợi nhuận cao nhất trong 4 năm.
Kế hoạch doanh thu kỷ lục năm nay được đặt ra trên đà tăng trưởng hai chữ số của năm 2024 (doanh thu đạt 138.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 77% so với năm 2023).
“Quý I, Hòa Phát đạt 37.000 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được mục tiêu tham vọng năm nay thì mỗi quý tập đoàn phải đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - con số đầy thách thức”, ông Long cho biết và nhấn mạnh “sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kể cả thị trường bất ổn”.

Về phương án chia trả cổ tức, năm nay Hòa Phát sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tương đương phát hành thêm gần 1,3 tỷ cổ phiếu, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 63.962 tỷ đồng lên 76.755 tỷ đồng. Trước đó, trong tài liệu họp thường niên 2025, “vua thép” lên kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng 15% cổ phiếu và 5% tiền mặt.
Việc điều chỉnh phương án trả cổ tức, theo ông Trần Đình Long, dựa trên cơ sở thận trọng, đảm bảo nguồn tiền mặt trong bối cảnh biến động thị trường quốc tế phức tạp, như chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Từ năm 2026, nếu nền kinh tế không có thêm bất ổn, Hòa Phát sẽ quay lại truyền thống chia cổ tức tiền mặt”, ông Long cam kết với cổ đông.
Hòa Phát đã dừng trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ năm 2022. Lý giải điều này, lãnh đạo tập đoàn từng cho biết họ dồn lực đầu tư cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 nên cần vốn, khó chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Đầu tư 14.000 tỷ vào dự án sản xuất đường ray
Cũng tại đại hội, vấn đề cung cấp thép cho các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết sẽ tham gia tất cả các dự án. Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép đường ray từ phần nền trở xuống còn đầu máy toa xe không làm nhưng có thể cung cấp nguyên vật liệu.
Trên cơ sở cân đối nguồn lực, ông Long thông báo tập đoàn đầu tư dự án sản xuất đường ray ở Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ và đánh giá “đây là dự án mới và rất khó, chưa từng có tại Việt Nam”.
“Chúng tôi tự tin có thể sản xuất được loại sản phẩm này”, ông Long khẳng định. Theo kế hoạch, lễ động thổ sẽ diễn ra trong tháng 5 tới và đơn hàng đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ một tín hiệu tích cực là Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ cơ chế giao đơn hàng và nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có Hòa Phát.
Một bài toán cổ đông đặt ra cho công ty thép lớn nhất Việt Nam là đầu ra sản phẩm, trong bối cảnh ngành thép liên tiếp bị đánh đòn thuế quan từ chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết tập đoàn cố gắng duy trì tỷ trọng xuất khẩu nằm dưới 20%. Thực tế có giai đoạn như 2024 khi thị trường trong nước khó khăn thì tỷ trọng xuất khẩu đã lên tới 31% - cao nhất từ trước tới nay. Đây là giải pháp tức thời còn về nguyên tắc cố gắng duy trì tỷ tọng bán hàng ở ngưỡng 20%.
Thép Hòa Phát hiện xuất sang 40 nước trên thế giới. Thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 1%. Do đó, với bất ổn như vừa qua thì việc chia nhỏ thị trường sẽ giúp mức độ ảnh hưởng ít đi và tập đoàn có thời gian xoay chuyển sang thị trường khác.
Liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh chiến lược Hòa Phát là không để lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động, chưa bao giờ vượt mức 5-6%.
Hiện nay, tập đoàn đang thí điểm dự án nhà ở xã hội tại Yên Mỹ (Hưng yên). Dù lợi nhuận không cao, ông Long khẳng định đây là mô hình “chắc chắn và tốt”.
Ông cũng tiết lộ thông tin đáng chú ý rằng Hòa Phát vừa được giao một khu đất lớn, có thể nói là “mảnh đất cuối cùng ở Việt Nam” đủ điều kiện để xây dựng nhà máy thép. Khu đất có quy mô 500ha, mặt hướng ra biển, hiện tập đoàn đang lên kế hoạch đầu tư bài bản tại đây.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 224.490 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn vẫn chiếm phần lớn khi tăng thêm 32.345 tỷ đồng, đạt mức 137.411 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản.
Tính đến cuối năm 2024, Hòa Phát đã rót hơn 60.100 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2. Vì thực hiện dự án này, nợ vay tài chính của tập đoàn đã tăng 18.000 tỷ đồng sau một năm, lên 83.000 tỷ. Doanh nghiệp này sở hữu gần 25.900 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi tính đến cuối năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu tăng 11% từ 102.836 tỷ đồng lên 114.647 tỷ đồng nhờ dòng lợi nhuận làm ra trong năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm dưới mức 1.