Đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, nhưng phải giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.
Trong Phiên họp chiều nay, 10.2 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51441798/68966a245e6ab734ee7b.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng
Theo Tờ trình Đề án do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
![Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51441798/ceabc419f05719094046.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long
“Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Đề án. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51441798/19120ea03aeed3b08aff.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Đề án. Ảnh: Hồ Long
Báo cáo thẩm tra Đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày. Theo đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1.2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51441798/1af406463208db568219.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án. Ảnh: Hồ Long
Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô…
Tập trung rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp luật
Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% là phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần tập trung rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật. Ví dụ, nếu chưa sửa đổi Luật Lâm nghiệp trong năm 2025 sẽ gây ách tắc ở các vấn đề như quy hoạch rừng, đất lâm trường, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, sinh kế dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải đẩy mạnh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là khi Quốc hội đã có Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng qua khảo sát cho thấy, chúng ta chưa có hướng dẫn chuyển nguồn, dự án không còn nhu cầu, không còn đối tượng, dưới không dám làm. Do vậy, Chính phủ và các bộ chủ quản Chương trình phải có hướng dẫn như thế nào, vì sao cho phép chuyển nguồn nhưng dưới không có địa phương nào chuyển?.
“Có những cái đúng là địa phương chờ ở trên, nếu địa phương mạnh dạn thì cứ đúng theo Nghị quyết của Quốc hội là làm, nhưng còn liên quan đến các Nghị quyết khác của Quốc hội, quy định của các nghị định, thông tư là không được vượt tổng mức đầu tư của Chương trình. Chính cái này là cái khó nhất, thậm chí có những cái có thể từ Chương trình này qua Chương trình khác được vì cùng một đối tượng thụ hưởng, nhưng không điều chỉnh được, không chuyển được nguồn theo Nghị quyết 111/2024/QH15, cho nên phải xác định rõ để đẩy nhanh tiến độ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
![Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51441798/688a71384576ac28f567.jpg)
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, bây giờ đã là gần giữa tháng 2, thời gian thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đề xuất không còn nhiều, do vậy cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa… Đối với lĩnh vực thương mại, du lịch cần có các chính sách thúc đẩy như chính sách về visa, về hàng không… nhằm có tác động ngay tức thì trong thời gian tới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 – 5%; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP… Và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Chính phủ trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung trọng tâm, bám sát yêu cầu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Kết luận của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình và trách nhiệm xây dựng trình Quốc hội các luật, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cũng như các năm tiếp theo. Đồng thời, bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chất lượng của các luật, nghị quyết; chất lượng và thời gian ban hành văn bản hướng dẫn và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung vào các điểm nghẽn trong việc thi hành trong pháp luật.
“Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi và nợ công. Lưu ý thời gian thực hiện các mục tiêu, trong điều kiện thời gian còn lại của năm 2025 là khoảng 10 tháng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.