Đặt lợi ích người dân vào trung tâm của mọi quyết sách
Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho thế hệ tương lai và các đối tượng yếu thế luôn là quan điểm ưu tiên nhất quán được Đảng, Nhà nước ta tập trung triển khai, thực hiện song song cùng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Từ ngày 1.1.2025, trong không khí tươi vui của mùa Xuân mới đang về, cùng niềm tin, kỳ vọng trước tâm, thế vững vàng của đất nước chuyển mình vào kỷ nguyên mới, những quyết sách thể hiện tinh thần 'đặt người dân vào trung tâm' của Quốc hội được Chính phủ triển khai nhanh chóng, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm đã tiếp tục nhận được sự ủng hộ đồng tình, đánh giá rất cao từ cử tri, Nhân dân cả nước.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Với cử tri, Nhân dân cả nước, việc nhanh chóng đưa những quyết sách đi vào đời sống, phát huy hiệu quả là mong mỏi hàng đầu sau mỗi quyết sách được thông qua từ nghị trường Quốc hội. Ngay trong những ngày đầu năm 2025, hàng loạt quy định mới, tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân chính thức có hiệu lực thi hành chỉ vỏn vẹn hơn 1 tháng sau khi Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV khép lại đã cho thấy tinh thần vào cuộc rốt ráo, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan trong việc “phúc đáp” những kỳ vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân cả nước.
“Chưa bao giờ các cơ chế, chính sách mới, có lợi cho người dân, cho sự phát triển của đất nước lại được hoạch định, xây dựng, ban hành và triển khai nhanh chóng, quyết liệt đến như vậy” - cử tri Nguyễn Văn Nhỏ (cán bộ hưu trí phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi nói về những quyết sách nổi bật chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, ngay sau khi được thông qua tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội. Vừa tấm tắc đánh giá cao, vị Đại tá Quân đội về hưu vừa lần lượt “điểm danh” những quyết sách không chỉ “đúng, trúng” lòng dân, mà còn thể hiện rất rõ nét quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội và làm sao cho Nhân dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc song song cùng các giải pháp phát triển kinh tế.
Theo cử tri, trong số những chính sách, quy định mới vừa có hiệu lực vừa qua, ông rất quan tâm đến việc Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dõi theo đề xuất này từ những ngày được Quốc hội bàn thảo tại Kỳ họp thứ Tám, cử tri Nguyễn Văn Nhỏ cho biết: Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh đất nước vừa phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn, vừa phải tập trung giải quyết những thách thức mới đặt ra, quyết nghị của Quốc hội đã giúp Chính phủ và các địa phương có thêm nguồn lực quan trọng hiện thực hóa mục tiêu cơ bản của chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.
"Biểu tượng" cho sự nhân văn, bình đẳng xã hội
Trong câu chuyện những ngày đầu năm 2025, nhiều chính sách, quy định mới khác có hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống cũng là nội dung được rất nhiều cử tri quan tâm, kỳ vọng. Điển hình là hàng loạt quy định mang lại lợi ích thiết thực và tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành. Nhiều cử tri đánh giá, chẳng phải ngẫu nhiên mà sự kiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được thông qua; trong đó, cho phép người có thẻ BHYT mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh (KCB) cấp chuyên sâu đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2024.
Cử tri Hoàng Văn Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An) đánh giá, ngay từ việc được xây dựng theo trình tự rút gọn tại 1 kỳ họp, đã cho thấy Quốc hội rất sát sao, phát hiện và vào cuộc khắc phục ngay những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn; góp phần bảo đảm tốt hơn nữa dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cho Nhân dân. Đặc biệt, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước; đưa BHYT trở thành "biểu tượng" cho sự nhân văn và bình đẳng xã hội.
Bản thân đang điều trị bệnh ung thư tại một bệnh viện chuyên ngành tuyến đầu ở Hà Nội, bà Đinh Thị Y. (ngụ tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) vui mừng cho biết: việc bỏ giấy chuyển tuyến bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không chỉ hợp lý mà còn nhân văn, giúp giảm bớt gánh nặng và lo âu cho người bệnh cũng như thân nhân người bị bệnh. Cùng bày tỏ mối quan tâm đến các quy định mới về BHYT, nhiều cử tri TP. Cần Thơ cho biết, thông tin từ ngày 1.1.2025, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật khiến cả người dân lẫn các y tế cơ sở mong đợi.
“Quy định này không chỉ giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn, bớt phải đi lại mà còn tạo điều kiện để các trạm y tế tuyến xã được sử dụng các loại thuốc được quỹ BHYT chi trả, giúp giảm gánh nặng cho tuyến trên bởi người bệnh mạn tính đã được quản lý, cấp phát thuốc từ cơ sở”, cử tri Trần Thị Thu Hiền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) chia sẻ.
Bước đi đúng bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Một vấn đề khác cũng được cử tri cả nước đánh giá rất cao, chính là việc Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe. Chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 vừa qua, hầu hết ý kiến cử tri đều nhấn mạnh: đây là một bước đi đúng đắn nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đặc biệt, là giới trẻ trước những nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc lá điện tử. Nguyễn Hoàng Thái (sinh viên Trường Đại học FPT, Hà Nội) cho biết: nhiều bạn của Thái sử dụng thuốc lá điện tử vì nghĩ rằng chúng vô hại nhưng thực ra không phải vậy. Do đó, quy định cấm này sẽ giúp các bạn trẻ tránh xa thuốc lá.
Có một thực tế, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như một trào lưu, hay muốn thể hiện sự “ngầu”, “thời thượng” mà không nhận thức được hết các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc cấm hoàn toàn không chỉ là biện pháp quản lý, mà còn là cơ hội để mỗi người trẻ thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng một xã hội không khói thuốc, vì sức khỏe và tương lai của cả cộng đồng.
Bên cạnh các biện pháp quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cử tri cũng nhấn mạnh, thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho giới trẻ cũng rất quan trọng; đặc biệt, là phải tạo ra một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và toàn diện, nhằm cung cấp thông tin về tác hại sức khỏe, rủi ro nghiện và quy định pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Qua đó, không chỉ tạo ra một hàng rào pháp lý mạnh mẽ đối với việc sử dụng, mà còn giúp thay đổi nhận thức và hành vi lâu dài của cộng đồng.